(TSVN) – Tại Diễn đàn nghề cá biển Baltic lần thứ 5 tổ chức ở Estonia đầu tháng 4/2023, châu u kiên định lập trường về việc hạn chế số lượng tàu cá phù hợp với khuôn khổ quản lý nghề cá hiện đại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản đối chính sách này đã lỗi thời.
Tại Diễn đàn nghề cá biển Baltic, châu Âu nhấn mạnh các mục tiêu của Chính sách Nghề cá chung (CPF) là đảm bảo khai thác nguồn lợi bền vững nhưng cũng căn cứ theo các đặc thù của từng khu vực và biện pháp quản lý nghề cá của các khu vực đó. Khi xây dựng Chính sách Nghề cá chung, châu Âu nhắm đến mục tiêu giải quyết hạn chế trong khai thác và kiểm soát tàu cá; đồng thời, điều chỉnh năng lực đánh bắt của các đội châu Âu.
Nghề cá châu Âu hướng mục tiêu hiện đại hóa, công bằng và bền vững. Ảnh: Dave Keating
Chính sách Nghề cá chung (CPF) lần đầu tiên ra mắt vào năm 1983. Khi được thực thi, CPF đã tạo ra một hệ thống quản lý nguồn lợi nhằm mục tiêu đầu tiên là bảo vệ và sử dụng cân bằng các ngư trường cùng tài nguyên sinh vật biển trong điều kiện kinh tế và xã hội bền vững. Để quản lý bền vững nguồn lợi thủy sản, châu Âu đã đề ra hạn ngạch khai thác. Vào thời điểm đó, những giải pháp quản lý khai thác của châu Âu đều hướng tới mục tiêu tăng khả năng sản xuất để tối đa nguồn cung thực phẩm. Trước khi đặt nền móng cho Chính sách Nghề cá chung, châu Âu khuyến khích đổi mới và hiện đại hóa tàu cá thông qua nhiều chính sách hỗ trợ. Nhờ đó, công suất của các đội tàu châu Âu đã tăng 60%. Nhiều năm sau đó, châu Âu nhận ra nguồn tài nguyên biển không phải là vô tận, và đội tàu cá hùng hậu từng được chính phủ trợ sức đang khai thác cạn kiệt đại dương. Nhưng hạn chế đánh bắt ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận và sinh kế của các đội tàu vốn đã phát triển về quy mô. Do đó, mặc dù mục tiêu do các quốc gia thành viên đặt ra là cắt giảm số lượng tàu cá, nhưng mãi đến cuối thập niên 1980, công suất kilowatt của toàn bộ đội tàu cá châu Âu mới giảm 2%.
Năm 1993, châu Âu tiếp tục sửa đổi và ban hành CPF mới và đặt mục tiêu tham vọng hơn cho việc giảm đội tàu đánh cá. Để thực hiện mục tiêu đó, châu Âu đã hỗ trợ ngư dân hoán cải tàu và chuyển đổi nghề nghiệp. Đối với những đội tàu “tinh nhuệ” còn lại, châu Âu vẫn tiếp tục chính sách hiện đại hóa. CPF mới 1993 đã góp phần giảm 20% năng lực khai thác cá đáy và 15% cá nổi.
Cải cách CPF năm 2003 quy định việc xây dựng kế hoạch phục hồi nguồn lợi trong nhiều năm, đồng thời đặt ra các quy tắc về cách thức thống nhất hạn ngạch dựa theo thực trạng nguồn lợi và khuyến nghị khoa học. Sau cải cách CPF 2003, châu Âu đã loại bỏ chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá, tích cực giảm số lượng tàu nhưng vẫn giữ cơ chế hỗ trợ hiện đại hóa tàu cá hiện hành. Trong thời gian này, châu Âu thành lập Cơ quan kiểm soát thủy sản để tăng cường kiểm soát nghề cá.
Một tàu khai thác cá hiện đại ngoài khơi. Ảnh: The Guardian
Trong cải cách CPF năm 2014 đang có hiệu lực đến ngày nay, châu Âu đã bổ sung những quy định đảm bảo bền vững môi trường, kinh tế, xã hội của nghề khai thác cá và nuôi trồng thủy sản nhằm mục tiêu tối đa năng suất bền vững, đảm bảo khả năng tái tạo tự nhiên và bảo tồn nguồn lợi. Cùng đó, châu Âu vẫn tiếp tục duy trì việc điều chỉnh năng lực của tàu cá phù hợp với hạn ngạch nhằm đảm bảo tính bền vững và kinh tế của tàu cá.
Tại Diễn đàn Nghề cá biển Baltic, nhiều chuyên gia cho rằng chính sách quản lý tàu cá của châu Âu đã lỗi thời trong kỷ nguyên hiện đại, đặc biệt là quản lý nghề cá theo hạn ngạch cá nhân. Cách phân bổ hạn ngạch của Estonia là một minh chứng, trong đó hạn ngạch mà EU phân cho Estonia có thể được chuyển nhượng cho các công ty hoặc cá nhân khác tại quốc gia này. Mặc dù Estonia đã sử dụng biện pháp hỗ trợ việc cắt giảm quy mô đội tàu, nhưng trong 20 năm qua, 60% số lượng tàu cá chuyển đổi mục đích sử dụng đều không được nhà nước hỗ trợ chi phí. Do đó, nhiều tàu cá tư nhân tự quyết định kinh tế của riêng họ và vận hành tàu cá cho phù hợp với hạn ngạch cá nhân.
Khi quản lý khai thác bền vững nguồn lợi bằng hạn ngạch, thì việc sử dụng bao nhiêu tàu cá không còn quan trọng. Do đó nhiều chuyên gia cho rằng chính sách hạn chế quy mô tàu cá là không cần thiết. Loại bỏ tàu già cỗi và chính sách điều tiết năng lực khai thác của tàu cá hiện nay chỉ giúp tiết kiệm năng lượng và giảm phụ thuộc vào sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Hoạt động khai thác của tại vùng biển Baltic đang được quản lý bằng hạn ngạch chung của châu Âu. Mỗi thành viên cũng được EU phân bổ hạn ngạch quốc gia. Bằng công cụ này, các thành viên tại diễn đàn nhận thấy không cần áp đặt thêm các hạn chế về quy mô đội tàu đánh cá.
>> Tại châu Âu, quy định cơ bản của (CPF) là thiết lập giới hạn năng lực đánh bắt cho các tàu cá thuộc mỗi quốc gia thành viên. Quy định này độc lập với các biện pháp và quản lý nghề cá đặc biệt được áp dụng ở các khu vực khác nhau, hoặc từng quốc gia riêng lẻ để bảo vệ nguồn lợi biển. Đồng thời, những điều kiện kỹ thuật hiện tại của đội tàu, tuổi tàu, phương pháp khai thác và phân khúc tàu cá giữa các quốc gia thành viên cũng không giống nhau.
Vũ Đức
(Theo Seafoodsource)