THỨ BA, ngày 21/1/2025

Cá tra nuôi nhỏ lẻ còn nhiều hạn chế

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Một số địa phương ở ĐBSCL vừa tổ chức rà soát theo Quyết định số 1802/QĐ-BNN-QLCL của Bộ NN&PTNT về “Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang thị trường Mỹ” cho thấy những cơ sở nuôi cá tra nhỏ lẻ còn tồn tại nguy cơ mất an toàn. Đây cũng là những bất cập khá điển hình cho ngành cá tra cần được khắc phục để phát triển.

Đồng Tháp tích cực chấn chỉnh 

Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp tiến hành rà soát 97 vùng nuôi, gồm vùng nuôi của các doanh nghiệp và các cơ sở liên kết bán cho doanh nghiệp. 

Ao nuôi, cơ sở sản xuất cần đảm bảo an toàn phù hợp sản xuất. Ảnh: ST

Đánh giá của Chi cục Thủy sản tỉnh: Một số cơ sở nuôi trước đây có bán cá cho doanh nghiệp nhưng hiện nay không bán nữa vì tình hình khó khăn chung, vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm. Đa phần các vùng nuôi của doanh nghiệp đều đáp ứng đủ điều kiện an toàn thực phẩm (điều kiện ao nuôi, cơ sở vật chất an toàn phù hợp sản xuất, sử dụng con giống đã được kiểm soát chất lượng). 

Còn các cơ sở nuôi nhỏ lẻ, nhìn chung mắc nhiều lỗi ẩn chứa nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Đó là, nhà kho thức ăn xuống cấp, bị nứt, sụp lún, không có đầy đủ pallet, xếp thức ăn không đảm bảo theo quy định, không kiểm soát được động vật gây hại, sử dụng kho chứa thức ăn cũng là nhà ở của công nhân. Chưa bố trí kho vật tư chứa bao bì đã qua sử dụng. Chưa có đầy đủ dụng cụ đo các chỉ tiêu môi trường nước ao nuôi theo quy định, chưa có thùng xử lý dụng cụ, một số vùng nuôi còn nuôi chó, gà, gây mất vệ sinh. Mua giống từ những cơ sở chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. 

Nhất là, chưa đầu tư khu vực xử lý chất thải và cá chết, bùn thải. Không lưu trữ các chứng từ về con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, kết quả quan trắc môi trường. Chưa ghi chép, lưu trữ hồ sơ theo quy định, khó truy xuất nguồn gốc. 

An Giang tăng cường kiểm tra 

Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang tiến hành rà soát 12 cơ sở cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Kết quả, một số cơ sở không đạt điều kiện. 

Các tiêu chí không đạt chủ yếu tập trung về cơ sở hạ tầng. Trong đó, nhóm chỉ tiêu không đạt nhiều nhất là về kho thức ăn chưa đảm bảo yêu cầu, kín, thoáng, phòng tránh côn trùng. Kho thuốc, hóa chất chưa đảm bảo yêu cầu về bảo quản, một số kho không có kệ, không có gờ, không có các loại biển báo phù hợp. 

Về hạ tầng hạn chế còn ở các khu vực xung quanh ao nuôi: Nơi tập kết cá chết chưa đảm bảo vệ sinh, chưa có biện pháp ngăn chặn mùi, nước từ hoạt động thu gom. Hố chôn cá chết sơ sài, chưa đảm bảo xử lý đúng quy định. Đa số cơ sở chưa có khu vực vệ sinh, khử trùng dụng cụ. 

Về hồ sơ, đa số các cơ sở chưa có hợp đồng xử lý rác thải nguy hại theo đúng quy định. Một số chưa có kế hoạch bảo vệ môi trường. Có hợp đồng mua bán, nhưng ít lưu hóa đơn. Ghi chép còn chưa đầy đủ một số nội dung liên quan đến truy xuất nguồn gốc. Hồ sơ thu hoạch chưa lưu đầy đủ. 

Đề xuất và kiến nghị 

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp: Các cơ sở nuôi cá tra cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến cần chủ động khắc phục các lỗi đã được chỉ ra. 

Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang kiến nghị giải pháp khắc phục, cụ thể: Cơ sở nuôi sửa chữa, cải tạo các kho chứa thức ăn đảm bảo kín, thoáng, ngăn chặn động vật gây hại, côn trùng. Bố trí các kho thuốc, kho chứa nguyên nhiên vật liệu đảm bảo cách biệt, có các loại biển báo phù hợp. Cải tạo, bố trí các kho rác thải nguy hại, thùng chứa. Có các hố chôn cá chết, khu vực tập kết cá chết, khu vực vệ sinh và khử trùng dụng cụ đúng quy định. 

Nhiều hạn chế có nguyên nhân chính là thói quen sản xuất theo tập quán cũ, tận dụng các kho lớn để dùng chung, không kín, không cách biệt. 

Để khắc phục hạn chế một cách đầy đủ, Cục Thủy sản nêu ra một số câu hỏi để cơ sở nuôi cá tra trả lời, nếu trả lời được là đạt yêu cầu. Có những câu hỏi mà thói quen sản xuất theo tập quán cũ không nghĩ tới. Đơn cử như sau: Tần suất xử lý cá chết như thế nào? Quy trình xử lý khi cá bệnh, cá chết ra sao? Cách phân biệt cá chết tự nhiên và chết do bệnh? Kiểm soát sự xâm nhập vào khu nuôi của vật nuôi, dịch hại như thế nào? Mỗi ao có dụng cụ sử dụng riêng hay dùng chung cả vùng nuôi, nếu dùng chung thì kiểm soát mối nguy thế nào? Cơ sở nuôi có dự kiến ngày thu hoạch không, khi không thu hoạch vào ngày dự kiến thì xử lý ra sao? 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các đơn vị liên quan và các địa phương, doanh nghiệp vùng ÐBSCL đẩy mạnh rà soát, khắc phục hạn chế trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cá tra. Ngành nông nghiệp các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các điều kiện sản xuất theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, nhằm thúc đẩy thị trường cá tra phát triển trong thời gian tới; hỗ trợ doanh nghiệp, người nuôi xây dựng chuỗi giá trị an toàn, chất lượng sản phẩm, liên kết sản xuất từ khâu tạo giống, môi trường và kỹ thuật nuôi trồng, thu hoạch và chế biến… Sự hợp tác này trên cơ sở đảm bảo an toàn, đoàn kết, tạo sự đồng lòng hỗ trợ cùng phát triển, hài hòa lợi ích, rủi ro cùng chia sẻ. 

Yêu cầu của thị trường cá tra đang đòi hỏi các vùng nuôi cá phải thay đổi để đáp ứng, dù thay đổi thói quen rất khó khăn nhưng là điều kiện cho ngành cá tra phát triển ổn định. Trong quá trình thay đổi có nhiều vướng mắc, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng cần chủ động trao đổi, phối hợp, hỗ trợ các cơ sở nuôi cá tra để cùng đi lên. 

>> Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, đối với thị trường EU, hiện khu vực này không chỉ quan tâm các sản phẩm đạt chứng nhận môi trường bền vững, mà còn quan tâm đến chứng nhận an sinh thực vật và chứng nhận giảm phát thải khí nhà kính. Thậm chí các tiêu chuẩn, chứng nhận này có thể dần được luật hóa. Có thể thấy rằng sản xuất cá tra vận hành theo chuỗi, buộc chúng ta phải tiếp cận và theo quy luật thị trường. Ngành hàng cá tra hiện nay đã chuyên nghiệp và chúng ta cần nỗ lực để giữ vững vị thế. 

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!