(TSVN) – Các trại nuôi cá rô phi tại Thái Lan bị cáo buộc gây ô nhiễm môi trường và vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn phúc lợi động vật trong quá trình nuôi, vận chuyển và chế biến.
Cá là thực phẩm cung cấp protein chính cho Thái Lan, một quốc gia Đông Nam Á gần 70 triệu dân. Với lợi thế ven biển, Thái Lan đã phát triển ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản đa dạng và là một trong những quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Nhưng nguồn cung nguyên liệu phục vụ xuất khẩu vẫn “mờ ám”.
Mặc dù được nuôi giống như động vật trên cạn, phúc lợi động vật của cá lại thường bị xem nhẹ và các báo cáo về tình trạng lạm dụng cũng như điều kiện sống tồi tệ của chúng ngày một gia tăng trên phạm vi toàn cầu. Các trại nuôi cá ở Thái Lan chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, bán buôn cho các chợ dân sinh vùng nông thôn. Điều kiện sản xuất của những trại nuôi cá này không được quản lý nghiêm ngặt như các trang trại quy mô lớn.
Theo điều tra của We Animals Media, tổ chức hoạt động về quyền động vật có trụ sở ở Canada, tình trạng mất vệ sinh thường xuyên xảy ra tại các trang trại nuôi cá rô phi ở Thái Lan. We Animals Media cung cấp bằng chứng về việc nước nuôi cá rô phi rất bẩn, cá chết nổi trong lồng, cá bệnh, mắt trắng lồi do nhiễm khuẩn Streptococcus. Các đoạn phim tư liệu của We Animals Media cho thấy cá rô phi bị đưa lên khỏi mặt nước, ném vào xô hoặc vứt xuống đất và chết dần vì ngạt thở.
Ngoài phúc lợi động vật kém, những trang trại cá rô phi tại Thái Lan cũng đối mặt những cáo buộc gây ô nhiễm môi trường. Nông dân tại đây nuôi cá rô phi bằng bột cá có nguồn gốc cá nổi tự nhiên ở đại dương. Theo Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), sử dụng những loại thức ăn này làm gia tăng tình trạng khai thác quá mức trên biển và đe dọa đa dạng sinh học đại dương.
We Animals Media cũng điều tra hành vi vô nhân đạo trong giết mổ và chế biến cá tại hai chợ thủy sản lớn nhất Thái Lan là Khlong Toei và Talaad Thai. Tại Khlong Toei, chợ dân sinh lớn nhất ở Bangkok, người bán cá dùng dao đập đầu cá để giết chết hoặc làm cá bất tỉnh. Sau đó, người bán sẽ chặt, sọi vẩy và moi ruột khi cá vẫn còn sống. Do khách hàng chuộng cá tươi, một số người bán dùng gai đâm vào não cá để gây tê. Cá bị tê liệt vẫn có khả năng cảm nhận và quan sát những gì xảy ra với chúng.
Chợ Talaad Thai ở phía Bắc Bangkok là một khu chợ bán buôn với mạng lưới phân phối khắp Thái Lan. Hình ảnh thương lái tấp nập mua cá, đóng gói chúng trong túi bóng khi vẫn còn sống để chở đi khắp các nơi đã không còn xa lạ. Toàn bộ số cá này được vận chuyển đến các hãng bán lẻ trên khắp Thái Lan. Tại Siam Marko, một trong những nhà bán lẻ lớn nhất Thái Lan, cá rô phi sống được thả vào các bể kính cáu bẩn và chật chội. Nhiều con cá bị trầy xước và không còn khỏe. Theo We Animals Media, những “góc tối” của ngành cá rô phi Thái Lan có thể khiến người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng phương tây đánh giá tiêu cực về tất cả thủy sản nuôi của Thái Lan, không riêng cá rô phi. Thay đổi nhận thức của thế hệ người nuôi cá vốn xem nhẹ phúc lợi động vật là điều gần như không thể. Tuy nhiên, We Animals Media cũng kêu gọi chính phủ sớm có biện pháp quản lý tiêu chuẩn phúc lợi động vật một cách nghiêm túc để ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững thực sự.
Một số hình ảnh phản ánh thực tế ngành cá rô phi Thái Lan:
Cá điêu hồng dày đặc nằm chen chúc trong trong ao đục ngàu sa khi được tiêm dầu đinh hương. Các trại cá rô phi thường sử dụng loại dầu này để làm cá yếu dần, không quẫy lộn, giúp thu hoạch nhanh hơn.
Thức ăn dư thừa, nổi lềnh bềnh trên mặt nước gây ô nhiễm môi trường.
Cá chết nổi do nước bẩn, và do nhiễm khuẩn Streptococcus
Phân loại cá trước khi xuất bán cho thương lái
Bảo quản cá trong những tủ kính chật chội
Giết mổ cá không đảm bảo phúc lợi động vật
Đan Linh
(Theo The guardian)