(TSVN) – Gần 30 năm qua, nghề nuôi tôm hùm lồng bè ở một số tỉnh Nam Trung bộ đã tạo sinh kế ổn định và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động; thu nhập và đời sống của người dân được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững của ngành hàng này, đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ và hiệu quả hơn.
Tôm hùm là đối tượng nuôi có giá trị cao, mang lại thu nhập lớn cho người dân các tỉnh Nam Trung bộ, đặc biệt là hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Năm 2022, sản lượng nuôi tôm hùm đạt 3.126 tấn (chiếm 94,5%), số lồng nuôi đạt 178.945 lồng (chiếm 97,5%). Việt Nam chủ yếu nuôi tôm hùm xanh (Panulirus Hormarus) và tôm hùm bông (P. Ornatus), một ít tôm hùm đỏ (P. Longipes) và tôm hùm tre (P. Polyphagus).
Theo VASEP, 6 tháng đầu năm 2023, ghi nhận sự phục hồi ngoạn mục của lĩnh vực tôm hùm sau đại dịch COVID-19, với kim ngạch xuất khẩu đạt 130 triệu USD, tăng gấp 30 lần so cùng kỳ năm ngoái. Nhờ nhu cầu xuất khẩu tăng cao nên tôm hùm liên tục tăng giá, có thời điểm tăng gấp đôi so cùng kỳ năm trước, lên mức 2,2 triệu đồng/kg đối với tôm hùm bông và 1,3 triệu đồng/ kg đối với tôm hùm xanh. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở các quốc gia tăng, đặc biệt là tại thị trường nhập khẩu tôm hùm lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc (chiếm 75 – 90%) đã mở cửa trở lại.
Cần thêm nhiều giải pháp để phấn đấu đưa tôm hùm trở thành đối tượng thủy sản nuôi chủ lực vào năm 2030. Ảnh: Ngọc Chung
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên cho biết, những năm qua, ngành thủy sản Phú Yên không ngừng phát triển, có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong cơ cấu kinh tế thủy sản của tỉnh, nuôi trồng chiếm khoảng 56% về giá trị sản xuất. Gần 30 năm qua, nghề nuôi tôm hùm lồng bè đã tạo sinh kế ổn định và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động; thu nhập và đời sống của các gia đình chuyên nuôi tôm hùm được nâng cao. Tỉnh đã quy hoạch 1.650 ha để nuôi tôm hùm, trong đó thị xã Sông Cầu 1.000 ha (đầm Cù Mông 253 ha, vịnh Xuân Đài 747 ha) và huyện Tuy An 650 ha. Năm 2022, trên địa bàn tỉnh nuôi khoảng 110.000 lồng tôm hùm, sản lượng hơn 1.750 tấn; riêng 6 tháng đầu năm 2023 nuôi khoảng 87.500 lồng, sản lượng hơn 1.000 tấn.
Còn tại tỉnh Khánh Hòa, những năm qua, nghề nuôi tôm hùm thương phẩm trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh tại các vùng nuôi trong tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm nay, người dân trong toàn tỉnh thả nuôi 77.445 lồng, sản lượng thu hoạch dự kiến đạt 2.650 tấn. Để đẩy mạnh tiêu thụ tôm hùm, địa phương đã hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, xuất khẩu, hình thành nên một số vùng nuôi thủy sản đạt chứng nhận VietGAP… Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh đã có 3 tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp ở huyện Vạn Ninh tham gia chuỗi cung cấp tôm hùm nuôi an toàn theo chuẩn VietGAP.
Ông Trần Minh Hiền, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp nuôi tôm hùm lồng ở thôn Khải Lương (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) chia sẻ: “Hiện nay, Tổ hội của chúng tôi có 20 hộ nuôi tham gia chuỗi liên kết, mỗi năm cung cấp cho doanh nghiệp thu mua 31,5 tấn tôm thương phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tôm đạt kích cỡ thương phẩm được 2 doanh nghiệp ở TP Nha Trang và TP Cam Ranh thu mua hết với giá cao hơn thị trường, nhờ đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc để phục vụ xuất khẩu chính ngạch. Hiện nay, một số hộ nuôi lân cận cũng đề nghị tham gia tổ hội để liên kết sản xuất – tiêu thụ”.
Ngoài chuỗi liên kết này, tại huyện Vạn Ninh còn có 2 chuỗi liên kết khác gồm: Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Vạn Hưng có 20 hộ nuôi, mỗi năm cung cấp ra thị trường 29,9 tấn tôm thịt; Tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản thôn Ninh Tân (xã Vạn Thạnh) có 15 hộ nuôi quy mô lớn, mỗi năm cung cấp ra thị trường 128 tấn tôm thịt. Tôm thương phẩm của các hộ nuôi đều được doanh nghiệp thu mua để phục vụ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Chia sẻ tại Diễn đàn “Bàn giải pháp phát triển chuỗi giá trị tôm hùm” do Cục Thủy sản phối hợp với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, Sở NN&PTNT Phú Yên tổ chức vừa qua; hầu hết các đại biểu đều cho rằng, khó khăn thách thức lớn nhất hiện nay của nghề nuôi tôm hùm là chưa chủ động được về con giống, chất lượng giống không ổn định (90% giống phục vụ cho sản xuất phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ nước ngoài, việc kiểm soát chất lượng gặp nhiều khó khăn). Ngoài ra, một số khó khăn, thách thức khác như: Sản xuất còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, thiếu quy hoạch/kế hoạch sắp xếp lại vùng nuôi (chưa kiểm soát được vùng nuôi, số lượng lồng nuôi); thức ăn tươi sống ngày càng khan hiếm và gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh; thị trường tiêu thụ không ổn định, quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc… dẫn đến tình trạng phát triển thiếu bền vững.
Theo Cục Thủy sản, nghề nuôi tôm hùm phát triển tập trung tại hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa (chiếm trên 95% tổng số lượng lồng nuôi, sản lượng nuôi cả nước). Tuy nhiên, công tác tổ chức sản xuất còn mang tính tự phát, quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ; chưa hình thành được mối liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất; thiếu các quy hoạch chi tiết để sắp xếp lại các vùng nuôi; quản lý, cấp phép nuôi tôm hùm bằng lồng, bè gặp khó khăn; tôm hùm nuôi ở Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (chiếm 90%), nên phụ thuộc chủ yếu thị trường này. Môi trường và dịch bệnh trên tôm hùm nuôi ngày càng phức tạp; chưa có thức ăn công nghiệp cho tôm hùm…
Mặt khác, tôm hùm giống đang phụ thuộc nhiều vào nguồn tôm nhập khẩu chiếm đến 80%, nhập khẩu từ một số quốc gia như: Indonesia, Philippines, Myanmar, Sri Lanka, Singapore. Tuy nhiên, việc nhập khẩu tôm hùm đang gặp phải khó khăn về thiếu nguồn cung ổn định và dịch bệnh, trong tháng 7/2023 vừa qua đã phát hiện 5 lô tôm giống nhập khẩu từ Malaysia nhiễm virus đốm trắng (WSSV). Trong khi, nguồn tôm giống khai thác từ vùng biển miền Trung của Việt Nam (chiếm 20%) chỉ cung cấp được phần nhỏ cho nhu cầu thả nuôi. Cùng đó, môi trường và dịch bệnh trên tôm hùm nuôi ngày càng phức tạp; chưa có thức ăn công nghiệp cho tôm hùm…
Một vấn đề nữa đó là tình hình dịch bệnh trên tôm hùm. Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên cho biết, dịch bệnh trên tôm hùm xảy ra rải rác trong quá trình nuôi, các loại bệnh thường xảy ra như bệnh sữa, đỏ thân, đen mang, với tỷ lệ tôm hao hụt trong cả quá trình nuôi ước tính khoảng 30 – 35% trong tổng đàn.
Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa
Tôm hùm là đối tượng nuôi chủ lực của người dân các địa phương ven biển trong tỉnh. Tuy nhiên, việc tiêu thụ tôm hùm theo đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc trong suốt thời gian dài vừa qua cho thấy nhiều rủi ro đối với người nuôi, khi giá cả lên xuống thất thường, bị thương lái ép giá, nợ gối đầu kéo dài... Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc theo đường chính ngạch nhưng không nhiều.
PGS.TS Trường Đình Hoài, Phó Chủ nhiệm khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Về vấn đề dịch bệnh trên tôm hùm, thời gian qua đơn vị đã hợp tác nghiên cứu cùng Công ty VMC Việt Nam điều tra tình hình bệnh đỏ thân, bệnh sữa gây ra trên tôm hùm tại một số địa phương ở vịnh Xuân Đài (Phú Yên), từ đó, phát triển sản phẩm điều trị dự phòng và đã mang lại kết quả tích cực làm tăng tỷ lệ sống của tôm hùm. Đồng thời, thời gian tới sẽ tiếp tục tối ưu hóa cách sử dụng và nhân rộng mô hình giúp người nuôi tôm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Theo Cục Thủy sản, định hướng phát triển ngành tôm Việt Nam là tập trung nuôi và xuất khẩu 2 đối tượng chính là tôm hùm bông và tôm hùm xanh. Tiếp tục phát triển nuôi hình thức lồng bè trên biển theo hướng ứng dụng công nghệ cao phát triển vùng biển hở; chuyển dịch từ vùng ven bở ra vùng xa bờ. Đồng thời, nuôi bể trên mặt đất sử dụng thức ăn công nghiệp và hệ thống lọc tuần hoàn. Tuy nhiên, vấn đề con giống và thức ăn công nghiệp cho tôm hùm nuôi đang được người nuôi và các địa phương rất quan tâm.
Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III, nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo tôm hùm bông (Panulirus ornatus) được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Viện thực hiện từ năm 2019 – 2023. Kết quả nghiên cứu đến nay tương đối khả quan. Ấu trùng tôm hùm bông được lưu giữ hơn 6 tháng và tạo được một số ấu trùng phyllosoma 10. Tuy nhiên, cần thêm một số thử nghiệm để có thể thành công trong việc nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo tôm hùm.
Để hướng đến xuất khẩu chính ngạch tôm hùm sang Trung Quốc, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đang chỉ đạo thực hiện một số giải pháp hướng đến tôm hùm nuôi là sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Trong đó, rà soát, tích hợp vào quy hoạch tỉnh một số vùng nuôi tôm hùm công nghệ cao trong bể trên bờ để đa dạng hình thức nuôi, cơ cấu lại vùng nuôi, giảm áp lực nuôi trên vịnh Xuân Đài, đảm bảo phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững. Bên cạnh đó, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ ngành hàng tôm hùm để tăng năng lực sản xuất và tiêu thụ; ưu tiên giao đất, cho thuê đất cho tổ chức, cá nhân nuôi tôm hùm trên biển, trên bờ; cấp mã số vùng nuôi, giám sát truy xuất nguồn gốc tôm hùm nuôi để xuất khẩu sản phẩm chính ngạch đến thị trường Trung Quốc mang lại nguồn thu ngoại tệ và lợi nhuận cao.
Được biết, Sở NN&PTNT Khánh Hòa đã đề xuất với Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (Bộ NN&PTNT) về triển khai xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ tôm hùm tại tỉnh. Trong đó, Sở đề xuất 5 hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp nuôi tôm hùm tại huyện Vạn Ninh; 3 hợp tác xã nuôi tôm hùm tại TP Cam Ranh; 6 tổ liên kết nuôi tôm hùm tại TP Nha Trang để xây dựng chuỗi liên kết.
Công nghệ sản xuất thức ăn cho tôm hùm
Theo TS Mai Duy Minh, Phòng Công nghệ Chế biến thủy sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III, các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu khá nhiều về sản xuất thức ăn công nghiệp cho tôm hùm nuôi, tuy nhiên có nghiên cứu thành công và cũng có nghiên cứu chưa đáp ứng như mong muốn. Ở Việt Nam, các nhà khoa học của Trường Đại học Nha Trang và Viện Hải dương học Nha Trang đã nghiên cứu thức ăn công nghiệp cho tôm hùm và ghi nhận đem lại hiệu quả kinh tế, nhưng thức ăn này chưa được sử dụng rộng rãi trong nuôi tôm hùm lồng.
PGS.TS Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III, cho biết, từ năm 2019 đến nay, nhóm tác giả của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III và Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc đã nghiên cứu, sản xuất thức ăn công nghiệp cho tôm hùm xanh và tôm hùm bông trong bể tái sử dụng nước bằng hệ thống lọc tuần hoàn (RAS). Nuôi tôm hùm trong bể ở Khánh Hòa và Phú Yên bằng thức ăn công nghiệp đã đem lại kết quả tích cực về tăng trưởng, tỷ lệ sống và chất lượng sản phẩm (màu sắc, chất lượng thịt). Hiện nhóm tác giả đang đánh giá lại về hiệu quả kinh tế của mô hình.
Hiện nay, nuôi thương phẩm trong RAS, đang áp dụng 50% thức ăn viên công nghiệp và 50% thức ăn tươi cho tôm hùm bông, còn tôm hùm xanh có thể áp dụng 100% thức ăn viên đến cỡ 0,25 kg/con. Ương tôm hùm bông giống bằng thức ăn công nghiệp đạt tỷ lệ sống cao, nhưng tăng trưởng chậm. Nhóm nghiên cứu chưa thử nghiệm thức ăn công nghiệp dạng viên trong nuôi tôm hùm lồng biển.
H.C
Anh Ngọc – Hoài Phương