Có một câu nói hài hước chua cay nhưng khá sát thực tế về các đại gia thủy sản: “Từ hai bàn tay trắng làm nên một núi nợ nần”.
Theo Tổng cục Thuỷ sản hồi đầu năm 2012, vùng ĐBSCL có khoảng 100 doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, bên cạnh còn số doanh nghiệp chế biến các loại thủy sản khác cũng không ít. Số lượng doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện có giảm sau một năm khủng hoảng nợ nần, tuy nhiên nợ thì vẫn chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con. Một doanh nghiệp nợ từ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng, tổng cộng quả là một núi nợ nần. Nhiều doanh nghiệp đã phải bán, một số chủ doanh nghiệp vướng “vòng lao lý”, núi nợ nần thì chưa biết bao giờ trả hết.
Ngành thủy sản còn có món nợ khó trả hơn, đó là để sản phẩm nhiễm chất kháng sinh độc hại, bị nghi kỵ, tẩy chay ở nhiều nơi. Lỗi này từ nuôi trồng đến chế biến và cả nhiều hoạt động dịch vụ. Mới đây, Nhật Bản dỡ bỏ quy định kiểm tra Trifluralin (một hoạt chất diệt cỏ sử dụng cải tạo ao nuôi) trong thủy sản Việt Nam, sau gần 3 năm (từ ngày 21/10/2010) kiểm tra gắt gao, nhưng vẫn kiểm tra chất Enrofloxacin và Ethoxyquin với 100% lô hàng. Nguyên do, thủy sản Việt Nam vẫn bị phát hiện nhiễm dư lượng hai chất ấy. Tháng 1/2013, có ba lô hàng tôm và hải sản bị cảnh báo nhiễm dư lượng Ethoxyquin, tháng 4/2013 có một lô hàng tôm có dư lượng chất độc hại Enrofloxacin. An toàn vệ sinh thực phẩm đã được cảnh báo nhiều năm rồi nhưng vì sao chưa được khắc phục triệt để?
Và thuế chống bán phá giá cá tra vào Mỹ. Ngày 14/3/2013, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo phán quyết lần thứ 8, áp dụng mức thuế cao bất ngờ với fillet cá tra đông lạnh trong giai đoạn từ ngày 1/8/2010 đến 31/7/2011. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đang kiện lên tòa án Mỹ, cho rằng DOC đột ngột thay Bangladesh thành Indonesia để tính giá so sánh là thiếu công bằng. Kiện tụng chưa có kết quả thì tháng 5/2013, DOC cho rằng có sai sót trong tính toán lần thứ 8 nên quyết định sẽ tăng thuế thêm khoảng 65%. Khó khăn càng lớn cho sản phẩm cá tra vào thị trường Mỹ. Chúng ta đòi Mỹ công bằng nhưng phần nào cũng phải bình tĩnh nhìn lại mình với câu hỏi, tại sao vụ kiện kéo dài đã 10 năm, qua nhiều lần DOC phán quyết sơ bộ mà thủy sản Việt Nam vẫn chưa tạo được một thị trường đầy đủ, để DOC có thể tùy tiện chọn quốc gia so sánh?
Những món nợ như thế cho thấy rõ thêm nhận định của các chuyên gia, tiềm năng thủy sản nước ta đang được khai thác thiếu quy hoạch, kế hoạch nên kém bền vững. Khai thác chú trọng sản lượng, kim ngạch xuất khẩu từng năm tăng lên nhưng nợ nần cũng tăng lên, nguy cơ tăng lên, thì hiệu quả kinh tế xã hội không cao. Nhiều món nợ không thể giải quyết sớm, phải để lại mai sau, để cho tương lai.
VASEP đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu, nhưng bao giờ xây dựng được thương hiệu thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới tương xứng với tiềm năng của đất nước? Nghị định về cá tra của Chính phủ sau ba năm dự thảo vẫn chưa có văn bản chính thức ban hành để đưa ngành sản xuất và kinh doanh cá tra thành ngành có điều kiện, trách nhiệm của ai? Hiệp hội Cá tra Việt Nam ra đời ngày 2/3/2013, sau 4 năm vận động, bao giờ có con dấu để hoạt động danh chính ngôn thuận? Những câu hỏi tương tự như thế trong ngành thủy sản cũng đang là món nợ không riêng ngành thủy sản, của hôm nay với tương lai.