(TSVN) – Mới đây Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa đã nghiệm thu đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá bè vẫu tại Khánh Hòa” góp phần nâng cao năng suất nuôi cá bè vẫu trong tỉnh cũng như các tỉnh, thành phố ven biển.
Cá bè vẫu hay có nơi còn gọi là cá bè vẩu được nuôi nhiều trong lồng bè tại các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang. Đây là một trong những loài cá biển có chất lượng thịt thơm ngon, giá bán cao. Trước đây, người dân Khánh Hòa nuôi cá bè vẫu chủ yếu từ con giống đánh bắt ngoài biển, tuy nhiên việc mở rộng nuôi đối tượng này thường gặp nhiều khó khăn nhất là về con giống và khả năng thích nghi của cá đối với thức ăn công nghiệp.
Mô hình nuôi thương phẩm cá bè vẫu tại xã Vĩnh Lương, Thành phố Nha Trang. Ảnh: báo Khánh Hòa.
Đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá bè vẫu tại Khánh Hòa” do Tiến sĩ Phạm Đức Hùng – giảng viên Viện Nuôi trồng Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang làm chủ nhiệm. Sau 35 tháng, nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn và nuôi được 70 con cá bố mẹ, đồng thời nắm được một số đặc điểm quan trọng của cá bè vẫu từ giai đoạn sinh sản của cá bố mẹ, tỷ lệ nở trứng, sự phát triển của cá hương lên cá giống, khẩu phần và tần suất cho cá giống ăn, tỷ lệ sống trung bình của ấu trùng lên cá hương, các chỉ số quan trọng khi nuôi thương phẩm…
Nếu sử dụng thức ăn công nghiệp thì sau 15 tháng nuôi, cá có thể đạt khối lượng trung bình 1,19kg/con. Tỷ lệ sống đạt hơn 80%, năng suất hơn 9kg/m3 lồng nuôi. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã thành lập 3 cơ sở thực nghiệm nuôi thương phẩm với tổng sản lượng đạt gần 2 tấn cá, cân nặng trung bình 0,86kg/con sau gần 14 tháng nuôi. Ngoài ra nhiều ngư dân cũng được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá bè vẫu bằng thức ăn công nghiệp.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Thanh Bình – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài đánh giá: thành công của đề tài đã góp phần mở rộng quy mô hoạt động sản xuất giống cá bè vẫu trên địa bàn tỉnh. Nếu như năm 2020 địa phương chỉ có 4 đàn cá bố mẹ thì sau 3 năm đã có 10 đàn. Kỹ thuật nuôi thương phẩm cá bè vẫu bằng thức ăn công nghiệp giúp người nuôi đa dạng nguồn thức ăn, giảm sự phụ thuộc vào thức ăn tươi, qua đó giảm lượng chất thải cũng như áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Thùy Khánh