(TSVN) – Nhiều loại thảo mộc và chất chiết xuất của chúng có thể mang lại khả năng kháng virus và không có tác dụng phụ đối với động vật thủy sản. Những kết quả trong nghiên cứu dưới đây cho thấy, bổ sung thích hợp chiết xuất từ cây hoàng cầm có thể giúp tôm thẻ chân trắng (TTCT) kháng lại WSSV.
Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang dần hạn chế việc sử dụng hóa chất và kháng sinh trong NTTS do tần suất dịch bệnh cao và dẫn đến suy thoái môi trường. Do đó, các loại phụ gia bổ sung trong thức ăn được ưu tiên nghiên cứu và phát triển. Trong các loại hợp chất tự nhiên được sử dụng trong NTTS, các loại thảo dược có ưu điểm là ít độc, giá rẻ, ít tác dụng phụ và ít gây kháng thuốc. Nghiên cứu mới đây của nhóm tác giả đến từ Đại học Ninh Ba (Trung Quốc) đã tiến hành đánh giá khả năng kháng virus đốm trắng (WSSV) của TTCT được cho ăn bổ sung chiết xuất từ một số loại thảo dược mới.
Mười loại thuốc thảo dược đã được lựa chọn chiết xuất bằng nước và ethanol. Theo đó, 300 mL nước siêu tinh khiết hoặc ethanol đã được thêm vào 50 g bột thảo dược khô và hòa tan bằng cách siêu âm trong 10 phút, sau đó đun ở 60°C trong 30 phút. Quá trình này được lặp lại ba lần, với 150 mL nước siêu tinh khiết hoặc etanol được thêm vào sau mỗi chu kỳ. Chất lỏng được lọc qua giấy lọc để thu được dịch lọc, sau đó được cô đặc và làm bay hơi dưới áp suất giảm trong thiết bị cô quay chân không để thu được dịch chiết đông đặc.
SBEE được coi là một ứng cử viên chống WSSV hiệu quả. Ảnh: ST
Dịch chiết nước và etanol được hòa tan trong dimethyl sulfoxide (DMSO) để thu được dung dịch gốc 50.000 mg/L. Sau đó, ấu trùng tôm được nuôi tạm thời trong các đĩa 6 giếng, 10 ấu trùng mỗi giếng và ngâm trong các nồng độ chiết xuất thảo dược khác nhau (từ 1 đến 200 mg/L) hoặc DMSO ba lần. Nồng độ tối đa mà tại đó tỷ lệ sống của ấu trùng tôm là 100% trong vòng 3 ngày được xác định là nồng độ an toàn. Tôm chết được vớt ra kịp thời để tránh làm suy giảm chất lượng nước.
Chiết xuất ethanol của cây hoàng cầm (SBEE) cho thấy hiệu quả bảo vệ cao nhất đối với ấu trùng tôm nhiễm WSSV là hơn 50%. Sau đó, số lượng bản sao WSSV đã được định lượng trong nhóm thử nghiệm; ứng dụng đã cải thiện tỷ lệ sống của tôm bị nhiễm WSSV hơn 30%. Tỷ lệ ức chế đối với chiết xuất nước của Fructus mume, chiết xuất ethanol của Fructus mume, chiết xuất nước của Houttuynia cordata, chiết xuất nước của Xanthium sibiricum, chiết xuất ethanol của Xanthium sibiricum và chiết xuất ethanol của S. baicalensis, được đo bằng giảm số lượng bản sao WSSV lần lượt là 53%, 55%, 61%, 54%, 60% và 73%.
Ấu trùng tôm được nuôi tạm thời trong các đĩa sáu giếng trong khi ngâm trong chiết xuất thảo mộc (ở nồng độ an toàn) và WSSV (nồng độ bản sao cuối cùng là 1,6 × 105 bản sao/ μL) trong 72 giờ (Liu và cộng sự, 2021; Shan và cộng sự, 2021). Tỷ lệ sống của ấu trùng tôm được quan sát trong khoảng thời gian 12 giờ. Một nhóm thử nghiệm có tỷ lệ sống > 30% ấu trùng tôm sau 72 giờ đã được chọn và chạy qPCR để xác định số lượng bản sao DNA bộ gen của WSSV. Kết quả cho thấy quá trình ngâm baicalein cho ấu trùng tôm trong cả 4 và 8 giờ đã làm giảm đáng kể số lượng bản sao của WSSV, trong khi SBEE yêu cầu thời gian tới 8 giờ. Khi được ngâm trước trong 8 giờ, baicalein và SBEE đã ức chế số lượng bản sao WSSV lần lượt là 46% và 31%. Kết quả này gợi ý rằng baicalein và SBEE có thể có vai trò trong việc tăng cường phản ứng miễn dịch của vật chủ và chúng có tiềm năng được phát triển thành chất tăng cường miễn dịch.
Đánh giá tác dụng kháng virus của SBEE và baicalein đối với tôm trưởng thành, nhóm tác giả đã sử dụng đầu micropipette 200 μL vô trùng để đưa virion WSSV vào phần miệng của tôm (được đưa vào phần miệng sâu 0,5 cm) và mỗi con tôm được cho ăn 80 μL chất cấy (1,6 × 106 bản sao/μL). Tôm ăn virus được giữ thẳng đứng trong 30 giây để ngăn chất cấy thải ra từ miệng. Sau 12 giờ, tôm trưởng thành bị nhiễm WSSV được cho ăn bằng SBEE (1 mg/kg) hoặc baicalein (0,5 mg/kg) bằng đường uống. Các phương pháp thử nghiệm và lấy mẫu cụ thể đã được thực hiện như mô tả trước đây (Shan và cộng sự, 2022). Kết quả chỉ ra rằng số lượng bản sao bộ gen của WSSV đã giảm đáng kể khi xử lý bằng SBEE hoặc baicalein sau 72 giờ. Đồng thời, SBEE và baicalein đã giảm một cách hiệu quả tỷ lệ chết của tôm trưởng thành bị nhiễm WSSV lần lượt là 20% và 30%.
Trong nghiên cứu này, chất chiết xuất trong nước và trong etanol của mười loại thảo dược đã được sử dụng để đánh giá hoạt tính chống WSSV. Trong số này, SBEE được coi là một ứng cử viên chống WSSV hiệu quả. Hơn nữa, baicalein, hoạt chất chính của cây hoàng cầm S. baicalensis, có hoạt tính chống WSSV tốt hơn. Vì thế, cây hoàng cầm dự kiến sẽ được sử dụng làm phụ gia thức ăn và baicalein có thể được phát triển như một loại thuốc chống WSSV.
Xuân Chinh
(Theo ScienceDirect)