(TSVN) – Cá trê vàng là loài thủy sản dễ nuôi, giàu dinh dưỡng, giá bán ổn định, chi phí đầu tư ban đầu để nuôi cá không cao. Do vậy thời gian qua nhiều nông dân xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh đã mạnh dạn thử nghiệm mô hình nuôi cá trê vàng trong ao đất bước đầu mang lại hiệu quả tốt.
Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh Trà Vinh nói chung và huyện Cầu Kè nói riêng luôn quan tâm tới việc đa dạng hóa mô hình nuôi thủy sản nước ngọt, đã có không ít mô hình phù hợp với thực tế ở từng địa phương và bước đầu cho hiệu quả kinh tế. Điển hình như mô hình nuôi cá trê vàng trong ao đất tại xã Thông Hòa.
Tháng 3 năm 2023 những mô hình nuôi cá trê vàng đầu tiên ở đây chính thức đi vào hoạt động với kinh phí đầu tư ban đầu chỉ 40 triệu đồng. Khoảng 9.000 con cá trê giống được nuôi tại ao nuôi của gia đình ông Mai Hoàng Khiêm, ấp Rạch Nghệ và hộ anh Nguyễn Minh Nhựt, ấp Ô Chích trên tổng diện tích mặt nước là 1.000 m2. Được biết, Hội Thủy sản và Làm vườn tỉnh Trà Vinh đã hỗ trợ không hoàn lại 50% chi phí giống, thức ăn, thuốc phòng, trị bệnh, phần còn lại do các hộ tham gia mô hình đầu tư.
Nông dân phân loại cá trê vàng sau khi thu hoạch thương phẩm. Ảnh: ST
Trong quá trình triển khai mô hình, kỹ sư của Hội Thủy sản và Làm vườn tỉnh luôn trực tiếp bám sát, hỗ trợ các hộ nuôi về kỹ thuật chăm sóc, phòng, trị bệnh trên cá trê vàng. Kết quả sau 4 tháng thả nuôi, tỷ lệ cá trê sống đạt trên 80% với tổng sản lượng thu hoạch là hơn 840 kg cá trê thương phẩm cho giá bán 60 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ đi các khoản chi phí đầu tư ban đầu thì các hộ tham gia mô hình điểm có lãi gần 5 triệu đồng/hộ.
Đánh giá về hiệu quả từ mô hình nuôi cá trê vàng tại ao nuôi của gia đình mình, anh Nguyễn Minh Nhựt chia sẻ: mô hình này tương đối thích hợp với điều kiện của địa phương. Cá trê vàng dễ nuôi, không mất quá nhiều công chăm sóc, ít bệnh. Hơn nữa sau 3 tháng thả nuôi thì gia đình anh đã có cá trê thương phẩm để bán. Kỹ thuật nuôi cá cũng không quá cầu kỳ, trước khi thả giống người nuôi cần vệ sinh ao hồ, khử khuẩn, sau khi thả cá giống thì cần thường xuyên bổ sung men tiêu hóa, vitamin sẽ giúp cá phát triển tốt hơn.
Cá trê vàng là đối tượng thủy sản dễ nuôi, có chất lượng thịt thơm ngon. Ảnh: ST
Thành công từ những mô hình nuôi cá trê vàng trong ao đất đầu tiên ở xã Thông Hòa đã thu hút sự quan tâm của nhiều nông dân ở địa phương. Khi tham quan mô hình nuôi cá trê vàng điểm, ông Nguyễn Văn Tuấn, ấp Ô Chích, xã Thông Hòa bày tỏ: mô hình này không quá phức tạp, chi phí đầu tư lại rất hợp lý, địa phương có thể nhân rộng ra cho bà con để họ có thể tận dụng mặt nước ao sẵn có của gia đình thả nuôi, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Hiệu quả từ mô hình nuôi cá trê vàng trong ao đất được triển khai thực hiện thí điểm tại xã Thông Hòa sẽ mở ra những định hướng mới nhằm đa dạng hóa đối tượng vật nuôi trên địa bàn huyện Cầu Kè sao cho phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của thị trường, qua đó góp phần tạo thu nhập ổn định, phát triển kinh tế nông hộ bền vững. Đánh giá kết quả từ mô hình cũng như định hướng một số giải pháp thực hiện các mô hình tiếp theo trong thời gian tới, ông Nguyễn Hùng Mận, Phó Chủ tịch Hội Thủy sản và Làm vườn tỉnh Trà Vinh cho biết Hội sẽ tham mưu cho Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh tiếp tục thực hiện và nhân rộng các mô hình, đặc biệt là mô hình nuôi cá trê vàng trong ao đất để người dân có thể tận dụng các mặt nước ao, mương đầu tư thả nuôi, tăng thêm nguồn thu cho gia đình.
>> Trong bối cảnh ngành nuôi trồng thủy sản đang có nhiều biến động như hiện nay, nhất là khi cá tra liên tục mất giá, việc người nuôi chủ động tìm hiểu, chuyển đổi đối tượng nuôi phù hợp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, nhất là đối với những hộ nuôi ít vốn, diện tích ao nhỏ không thích hợp để nuôi cá tra thương phẩm nếu chuyển sang nuôi cá trê vàng sẽ là một gợi ý. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi người dân cần tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật để làm sao có thể hạn chế tối đa tỷ lệ hao hụt, đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Thùy Khánh