T2, 06/07/2020 10:25

Bình Định: Nên hướng dẫn để người dân khai thác rong mơ bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Mấy năm gần đây, cứ đến quãng đầu tháng 4 âm lịch, rong mơ xuất hiện khá nhiều ở vùng biển xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định). Ðến mùa, người dân đổ xô khai thác rong để bán. Tuy nhiên, do khai thác rầm rộ, không theo biện pháp kỹ thuật nào, nguồn lợi này đã suy giảm nghiêm trọng và có nguy cơ biến mất.

Rong mơ có tên khoa học Sargassum, thuộc chi tảo biển, ngành tảo nâu. Trong y học, rong mơ cho keo Aginat dùng để bao viên thuốc, làm chỉ khâu vết mổ, đã được nghiên cứu làm huyết thanh nhân tạo, thuốc cầm máu. Trong công nghiệp, rong mơ dùng để làm chế phẩm in hoa, hồ vải, dán gỗ, chế tơ nhân tạo, làm diêm. Trong nông nghiệp, dùng làm phân bón, pha chế thuốc trừ sâu, thay thế phèn chua. Trong thực phẩm, ăn rong mơ biển ngừa và điều trị bướu cổ… Với nhiều công dụng như vậy, nên rong mơ có giá trị kinh tế rất lớn.

 

Người dân xã Nhơn Hải gánh rong mơ bán cho thương lái. Ảnh: Đ.N.N

Rong mơ mọc ở các rạn san hô gần bờ, thường xuất hiện vào mùa hè (từ tháng 4 đến tháng 5 âm lịch). Trước đây, tới mùa rong mơ nổi đầy biển, ngư dân chỉ mong rong rụng để tàu thuyền đi lại dễ dàng. Tuy nhiên, từ năm 2008, khi các thương lái từ huyện Sông Cầu (Phú Yên) về đây thu mua rong mơ thì nghề khai thác rong mơ ở Nhơn Hải xuất hiện. Và theo đó, sau mỗi mùa, sản lượng rong mơ lại giảm, năm sau thấp hơn năm trước. Năm 2012, người dân xã Nhơn Hải khai thác được trên 200 tấn rong mơ, với giá trị trên 300 triệu đồng. Năm nay dù mùa rong mơ chưa kết thúc, nhưng điều chắc chắn sản lượng sẽ ít hơn năm ngoái rất nhiều.

Hiện nay, tình hình khai thác rong mơ diễn ra rầm rộ ở Nhơn Hải. Để khai thác rong, những người đàn ông khỏe mạnh mang theo dây dẫn khí để thở, lặn xuống các ghềnh đá sâu để hái rong, họ gặp vạt rong nào là bứt vạt ấy, bất kể lớn nhỏ. Kiểu khai thác khiến nguồn rong suy giảm nặng, đồng thời còn làm ảnh hưởng đến điều kiện sinh trưởng, phát triển của các loại hải sản khác vốn lấy những vạt rong mơ làm môi trường sống.

Chị Trần Thị Phượng (ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải) cho biết: “Năm nay, số lượng rong mơ không nhiều như các năm trước, mỗi đợt chỉ được 3 – 4 ngày là hết”. Còn chủ một điểm thu mua rong mơ khô ở xã Nhơn Hải than thở: “Năm trước, thời điểm này tôi đã mua được trên chục tấn rong khô, nhưng năm nay thì chỉ mới được vài tấn. Rong mơ mua về, chúng tôi bán lại cho các thương lái đến từ các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh… để xuất khẩu sang Trung Quốc”.

Ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: “Chúng tôi chưa đánh giá hậu quả của việc khai thác rong mơ sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển và các loài vật sống ở khu vực này. Để hạn chế người dân khai thác rong mơ một cách ồ ạt, UBND xã đã vận động người dân khai thác đúng mùa vụ, lúc rong đã lớn, nhưng người dân vẫn cứ làm bừa, địa phương rất lúng túng…”.

Rong mơ đã và đang mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân xã Nhơn Hải. Tuy nhiên, tình trạng khai thác một cách ồ ạt, thiếu định hướng đã khiến sản lượng rong mơ suy giảm mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng của nhiều nguồn lợi thủy sản khác. Do vậy, việc quản lý, khai thác, bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi rong mơ là việc làm cấp thiết, rất cần sự chung tay góp sức của nhiều cấp, ngành.

Đoàn Ngọc Nhuận

Báo Bình Định

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!