T7, 09/09/2023 07:52

Đông Nam bộ – Liên kết vùng phát triển chuỗi logistics

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – VCCI và UBND Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Sở Công thương Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp tổ chức Diễn đàn “Liên kết vùng phát triển chuỗi logistics – Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ”.

Ngày 8/9/2023, Diễn đàn “Liên kết vùng phát triển chuỗi logistics – Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ” đã góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp các tỉnh Vùng Đông Nam bộ tìm hiểu, liên kết để khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất, các dịch vụ hỗ trợ nhằm mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm chi phí logistics…

Diễn đàn cũng tranh thủ ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức liên quan và ý kiến phản hồi, kiến nghị của các doanh nghiệp kịp thời bổ khuyết vào nhiệm vụ giải pháp phát triển logistics – tạo động lực phát triển kinh tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ, giúp doanh nghiệp hiến kế xây dựng cũng như tiếp cận, nắm bắt cơ hội đầu tư phát triển “Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ”, Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và các hạ tầng sau cảng…

Các đại biểu tham gia diễn đàn. Ảnh: ST

Nội dung Diễn đàn gồm hai phiên chính:

– Phiên tham luận gồm các báo cáo đề dẫn và phát biểu chuyên sâu cho các vấn đề: Điểm nghẽn của doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động logistics Bà Rịa – Vũng Tàu và Vùng Đông Nam bộ, đề xuất giải pháp; Giải pháp thúc đẩy liên kết vùng, phát triển chuỗi logistics vùng Đông Nam Bộ nâng cao sức cạnh tranh; Mô hình quốc tế về phát triển liên hợp cảng kết hợp khu thương mại tự do – mô hình lý tưởng cho Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ.

– Phiên thảo luận gồm 2 vấn đề quan trọng, tạo đột phá phát triển logistics nói riêng và kinh tế vùng Đông Nam bộ nói chung: Hoàn thiện hạ tầng logistics cho phát triển vận tải đa phương thức vùng Đông Nam bộ. Khu Thương mại tự do – đột phá chiến lược phát triển cảng biển và kinh tế.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, Đông Nam bộ là khu vực trọng điểm phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu chiếm 1/3 kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Khu vực này có lợi thế về hạ tầng hạ tầng giao thông và hạ tầng logistics với 2 cụm cảng lớn là cụm cảng TP Hồ Chí Minh và cụm cảng Bà Rịa – Vũng Tàu và sắp tới là Cần Giờ – cảng trung chuyển trong tương lai. Ở Đông Nam bộ có sân bay Tân Sơn Nhất có lưu lượng hàng hóa và hành khách lớn nhất cả nước và sắp tới là sân bay Long Thành tạo sức hút cho ngành logistics hàng không của đất nước. Về đường bộ có các quốc lộ huyết mạch, tuyến đường cao tốc đã và sẽ hình thành trong tương lai để nối sang nước bạn Campuchia. Trung tâm logistics cũng tập trung nhiều ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu từ hình thức kho bãi đến trung tâm logistics hiện đại hơn. Khu vực này cũng tập trung nhiều doanh nghiệp logistics với số lượng từ 13.000 – 15.000, trong đó, TP Hồ Chí Minh chiếm 3/4 doanh nghiệp và nhiều doanh nghiệp logistics FDI, tạo động lực cho sự phát triển của ngành trong cả nước.

Đông Nam bộ là khu vực tập trung hạ tầng logistics quan trọng, mặc dù còn nhiều điểm nghẽn “kìm chân” sự phát triển. Ảnh: Trà Ngân

Với các địa phương trong khu vực Đông Nam bộ, ông Trần Thanh Hải đề xuất một số gợi ý để thúc đẩy phát triển liên kết logistics vùng. Từ đó hoàn thiện chính sách hạ tầng, nhận thức đúng đắn về vai trò logistics là ngành trọng điểm trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương để xác định tầm nhìn rõ ràng; đầu tư hạ tầng kết nối tạo hệ sinh thái hỗ trợ vận chuyển tốt hơn; tăng tính liên kết đến các khu vực xung quanh như Tây Nam bộ, Tây Nguyên và các quốc gia lân cận để phát huy thế mạnh. Bên cạnh đó, các tỉnh cần có chính sách thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp logistics phát triển.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hiện tỉnh đang triển khai hai đề án lớn để tạo động lực phát triển ngành logistics. Đó là đề án nghiên cứu khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ và tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế. Hai đề án có tác động lan toả không chỉ cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mà cho cả vùng Đông Nam bộ.

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022  của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định mục tiêu, đến năm 2030, Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt khoảng 8 – 8,5%. Đặc biệt, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Chủ tịch vừa được thành lập nhằm hoàn thiện thể chế, cơ chế điều phối phát triển vùng Đông Nam bộ theo Nghị quyết 24-NQ/TW. Đổi mới cơ chế điều phối, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của vùng phát triển nhanh, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững khu vực.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!