(TSVN) – Khoáng Azomite là một loại khoáng chất tự nhiên, với nhiều nguyên tố khoáng vi lượng, đa lượng cần thiết cho sức khỏe của tôm. Việc tìm hiểu liều lượng và cách sử dụng khoáng Azomite sao cho hiệu quả là rất cần thiết để tôm phát triển tốt nhất.
Bổ sung khoáng chất cần thiết cho tôm, giúp tôm tăng trưởng nhanh, tăng năng suất. Phòng và trị bệnh cong thân, đục thân, xanh da trời, ốp vỏ, mềm vỏ kinh niên. Khắc phục tình trạng tôm lột dính, tôm yếu và chết sau lột xác. Giúp cải thiện chất lượng nước, ổn định tảo, kích thích phiêu sinh vật phát triển. Giúp tôm khỏe, có khả năng chống chọi với điều kiện môi trường bất lợi, giúp vỏ tôm sáng, tôm có màu sắc đẹp.
Khoáng rất cần thiết cho sự lột xác của tôm. Ảnh: Trúc Anh
Các trang trại nuôi tôm đã thử nghiệm Azomite bằng cách bón cho đáy ao giữa các giai đoạn nuôi thương phẩm. Đáy ao được xử lý với lượng 200 kg/ha Azomite trong 6 ao (3 ao đối chứng – 3 ao thực nghiệm). Hiện tại, Azomite được bổ sung vào đất ao giữa các lần nuôi thương phẩm tại các trang trại nuôi tôm, đặc biệt là ở các trang trại quảng canh.
Để nâng cao hiệu quả bổ sung khoáng Azomite cho tôm nuôi, cần bổ sung khoáng bằng 2 cách: Tạt vào môi trường nước và trộn cho ăn.
Dùng tạt: Trước khi thả giống khoảng 2 ngày, tạt 2,5 kg/1.000 m³ với mục đích là giúp dễ gây màu nước và tạo môi trường giàu khoáng cho tôm giống trước khi thả giống; Sau khi nuôi tôm được 30 ngày, tạt 1 – 2 kg/1.000 m³ nhằm bổ sung khoáng đa lượng và vi lượng vào môi trường ao nuôi. Định kỳ 7 – 10 ngày tạt một lần với lượng 1 – 1,5 kg/1.000 m³ giúp tôm tái tạo vỏ nhanh và cứng vỏ sau quá trình lột xác. Phòng trị cong thân tạt khoáng theo tỷ lệ 2 kg/1.000 m³, dùng định kỳ 2 – 3 ngày/lần.
Trộn cho tôm ăn: 5 g/kg thức ăn, ngày ăn 2 lần, cho ăn liên tục 5 ngày ngưng 5 -7 ngày. Cứ tiếp tục như vậy cho đến hết vụ. Tốt nhất nên bổ sung khoáng chất vào buổi chiều hoặc vào ban đêm lúc 10 – 12 giờ, vì tôm thường lột xác vào đêm. Khi tôm lột xác nhu cầu ôxy sẽ tăng cao gấp đôi và sau khi lột xác tôm sẽ bắt đầu hấp thu khoáng chất từ môi trường nước để tạo vỏ, quá trình hấp thu khoáng chất diễn rất mạnh vào giai đoạn từ 2 – 4 giờ sáng.
Lưu ý: Do bản chất của Azomite có tính kết dính, do đó trộn Azomite khô với thức ăn sau đó dùng một ít nước sạch tưới vào giúp Azomite bám chặt vào viên thức ăn. Có thể tạo tính kết dính tốt hơn cho Azomite bằng dầu mực hay lecithin.
Cách bảo quản: Bảo quản khoáng Azomite nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Nên để nhiệt độ bảo quản là nhiệt độ phòng. Sau khi sử dụng, đậy kín bao bao thùng.
Hoàng Yến