(TSVN) – Chỉ cần điều chỉnh nhỏ trong chế độ dinh dưỡng cho cá rô phi thông qua khoáng vi lượng, những lợi nhuận mà người nuôi thu lại lớn hơn nhiều lần so với chi phí bỏ ra.
Khi đối mặt điều kiện chăn nuôi đầy thách thức, động vật có năng suất cao thường đòi hỏi nhu cầu dinh dưỡng và trao đổi chất tăng lên để duy trì phát triển và đối phó với căng thẳng môi trường cũng như áp lực mầm bệnh. Chế độ ăn cận tối ưu có thể cản trở tiềm năng tăng trưởng của động vật và hạn chế phản ứng chống ôxy hóa và miễn dịch của vật nuôi, từ đó làm tăng rủi ro sức khỏe và dịch bệnh.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, không nên bỏ qua khoáng vi lượng trong thức ăn của cá rô phi. Khoáng và vitamin trong khẩu phần hàng ngày của cá rô phi thường bị bỏ qua do người nuôi chỉ ưu tiên protein và năng lượng. Khoáng vi lượng thực hiện một số chức năng trao đổi chất liên quan đến sinh lý của cá rô phi và giữ vai trò thiết yếu trong việc điều chỉnh hệ thống miễn dịch bẩm sinh, hoạt tính của các enzyme tiêu hóa và chống ôxy hóa. Chỉ khi hấp thụ tối ưu các chất dinh dưỡng này, vật nuôi mới tăng trưởng tốt, đồng thời duy trì sức khỏe cũng như khả năng chống lại căng thẳng và mầm bệnh.
Không nên bỏ qua khoáng vi lượng trong thức ăn của cá rô phi. Ảnh: Animals
Chế độ ăn của cá rô phi thường chứa thành phần protein thực vật như đậu tương, hướng dương, bông, đậu phộng; sau đó bổ sung các nguồn carbohydrate gồm lúa mì, gạo, ngô. Các thành phần này có hàm lượng khoáng vi lượng và sinh khả dụng rất thấp do các chất kháng dinh dưỡng như phytates, saponins, glucosinolates.
Nhiều trại nuôi vẫn đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng tối thiểu của vật nuôi bằng phương pháp cũ đó là bổ sung khoáng vi lượng thông qua thức ăn hỗn hợp đậm đặc (premix) chứa muối vô cơ (sulfate, oxit). Khoáng vi lượng vô cơ có sinh khả dụng thấp đối với vật nuôi do tương tác đối kháng với khoáng chất và thành phần khác trong thức ăn và các vị trí hấp thụ hạn chế trong ruột.
Khi hấp thụ tối ưu dưỡng chất, vật nuôi mới có sức khỏe và khả năng chống lại căng thẳng. Ảnh: ST
Khoáng hữu cơ là các kim loại liên kết với các phân tử như axit amin, peptide hoặc carbohydrate để giúp chúng hấp thụ dễ dàng trong ruột. Tuy nhiên, các khoáng chất hữu cơ hoạt động khác nhau, tùy vào phân tử mà chúng liên kết. Các phân tử khác nhau có độ hòa tan, độ ổn định và khả năng chống pH dạ dày và quá trình ép đùn khác nhau. Các phân tử khác nhau cũng được hấp thụ và vận chuyển trong ruột theo cơ chế khác nhau, ảnh hưởng đến sinh khả dụng của chúng. Sử dụng khoáng chất hữu cơ hiệu suất cao mang lại phản ứng vượt trội so với khoáng chất vô cơ.
Một thử nghiệm được thực hiện tại trang trại nuôi cá rô phi ao đất thương mại ở Edku, Behaira Governorate, Ai Cập để đánh giá tác động của phức hợp axit kim loại-amino Zn, Se, Cu, Fe và Mn (Zinpro® Performance Minerals®; ZPM) khi thay thế 25, 50, 75 hoặc 100% premix khoáng vi lượng vô cơ trong khẩu phần ăn của rô phi sông Nile. Khẩu phần được xây dựng theo công thức isonitrogenous (30% protein thô) và isoenergetic (17 MJ kg-1). Nguồn protein chính và phụ gia trong công thức này là khô đậu 38,5%; bột phụ phẩm gia cầm 5,5% và bột cá 2%. Thức ăn thương mại do Công ty Aqua International sản xuất cho thị trường Ai Cập.
Tối ưu hóa công thức thức ăn mang lại lợi ích vượt trội hơn nhiều so với khoản đầu tư. Ảnh: Globalfish
Cho cá ăn 2 lần/ngày trong 80 ngày trên 4 nhóm cá rô phi sông Nile đơn tính trọng lượng ban đầu 90 g (Oreochromis niloticus) với mật độ 30 con/m3. Các thông số chất lượng nước trung bình là nhiệt độ 28,3oC (25,1 – 32,2oC), nồng độ ôxy hòa tan 4,1 mg/L, độ mặn 5 – 8 ‰ và ammonia 1,5 mg/L (0,4 – 2,4 mg/L).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, thay thế khoáng vi lượng vô cơ bằng ZPM đã ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất của cá rô phi. Nhóm cá được thay thế 50% ZPM đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, tiếp theo là các nhóm 75% và 25% (khác biệt không đáng kể so với nhóm 50%). Nhóm được cho ăn ZPM ở tỷ lệ 50% và 25% đạt trọng lượng thân cuối cao nhất và không khác biệt thống kê so với nhóm 75% ZPM. Nhóm đối chứng (khoáng vi lượng vô cơ) có tỷ lệ hiệu quả sử dụng potein thấp nhất và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) cao nhất.
Ngoài ra, FCR được cải thiện ở các nhóm ZPM 25, 50 và 75%. Ở tỷ lệ 50%, ZPM cải thiện tăng trọng của cá rô phi và FCR lần lượt 26% và 12,4%. Hoạt tính của các enzyme tiêu hóa bị ảnh hưởng đáng kể khi thay thế khoáng vi lượng vô cơ bằng ZPM. Hoạt tính của các enzyme tiêu hóa amylase, lipase và protease (trypsin) cao nhất ở nhóm 50% ZPM với mức tăng lần lượt 60,5; 98,4 và 176,2% so nhóm đối chứng. Thay thế khoáng vi lượng vô cơ bằng ZPM làm tăng đáng kể hàm lượng Se trong xương cá rô phi từ 42 lên 57%. Hàm lượng Zn cao hơn đáng kể trong xương cá rô phi ăn bổ sung 25% và 50% ZPM (hơn 34% và 24% so nhóm đối chứng) và cao hơn nhóm 75% và 100% ZPM.
Trong nghiên cứu trên, các thông số liên quan đến sức khỏe đường ruột, đáp ứng miễn dịch và chống ôxy hóa cũng như hệ vi sinh vật đường ruột đều được đánh giá. Phân tích mô học đường ruột cho thấy tác động tích cực của việc thay thế khoáng chất vô cơ bằng phức hợp axit amin kim loại như tăng chiều dài vi nhung mao, giảm khoảng cách giữa các lông nhung và tăng số lượng tế bào gốc trong ruột.
Hoạt động của hệ thống ôxy hóa được cải thiện đáng kể thông qua tăng cường hoạt tính glutathione peroxidase (GPx) và superoxide dismutase (SOD). Những tác động tương tự cũng được ghi nhận đối với đáp ứng miễn dịch bẩm sinh và điều hòa hệ vi sinh đường ruột khi số lượng lợi khuẩn tăng mạnh còn vi khuẩn gây hại như Streptococcus spp. và Staphylococcus spp. giảm đáng kể trong ruột.
Các premix khoáng vi lượng trong thức ăn của cá rô phi thường dao động 0,1 – 4% tùy vào nồng độ và thành phần của sản phẩm với chi phí không vượt quá 3 – 6% tổng chi phí công thức thức ăn. Trong nghiên cứu trên, việc tối ưu hóa công thức thức ăn làm tăng chi phí công thức, nhưng mang lại lợi ích vượt trội hơn nhiều so với khoản đầu tư.
Vũ Đức
(Theo Aquafeed)