(TSVN) – Hỏi: Trong nuôi tôm, nguồn thức ăn dư thừa là nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường ao nuôi, xuất hiện mầm bệnh. Xin hỏi cách xử lý hiệu quả?
(Lâm Quốc Tuấn, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng)
Trả lời:
Để hạn chế thức ăn dư thừa trong ao nuôi theo hình thức công nghiệp, người nuôi cần tính toán chính xác tỷ lệ sống của tôm nhằm điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Chọn loại thức ăn chất lượng tốt, độ tan rã trong nước ít và sử dụng hợp lý, tránh thừa thức ăn.
Cho ăn đúng kỹ thuật, đúng và đủ số lượng, chất lượng. Ngoài ra, người nuôi cần tuân thủ việc thực hành nghề nuôi đảm bảo an toàn và khoa học mới có thể giúp cho ao nuôi phát triển hiệu quả, mang lại năng suất và thành công cho vụ nuôi. Đặc biệt từ tháng thứ hai trở đi, lượng bùn đáy chất thải trong ao bắt đầu tăng nhanh do lượng thức ăn tăng.
Giai đoạn này, việc quản lý chất thải bùn đáy chính là quản lý tốt thức ăn và chất lượng nước. Các biện pháp xử lý chất thải trong ao nuôi tôm là thay nước đáy hoặc dùng hệ thống thoát nước trung tâm, hoặc dùng máy hút bùn ra khỏi ao. Trong đó, giải pháp hút bùn ra khỏi ao nuôi mang lại hiệu quả khá cao nhưng cũng có thể gây nguy hại cho tôm tùy thuộc vào kỹ thuật hút bùn và điều kiện từng ao nuôi.
Một lưu ý quan trọng là chỉ hút chất thải khi thật sự cần thiết, nên tiến hành hút bùn vào buổi sáng hàng ngày và mỗi đợt hút bùn kéo dài khoảng 5 – 7 ngày. Khi hút bùn cần thải vào các vị trí không gây ảnh hưởng cho những người nuôi tôm xung quanh. Cần tăng hàm lượng ôxy hòa tan bằng hệ thống quạt nước hoặc sục khí để giảm tác hại của bùn đáy.
Hỏi: Cách sử dụng EDTA trong nuôi tôm?
(Trần Thanh An, xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh)
Trả lời:
EDTA là từ viết tắt của Ethylene Diamine Tetraacetic Acid. Đây là một axít hữu cơ mạnh (hơn 1.000 lần so với axit acetic). EDTA có tính chất vật lý ở dạng bột màu trắng, là hóa chất được sử dụng trong xử lý nước cấp trong sản xuất giống thủy sản nước lợ, trong ương và nuôi thương phẩm tôm. Trong nuôi tôm, EDTA chủ yếu được sử dụng để xử lý kim loại nặng và làm giảm độ cứng của nước.
Nguồn nước có hàm lượng kim loại nặng cao, tôm thường khó chuyển giai đoạn, giai đoạn nauplius chuyển zoea thường bị hao hụt nhiều, các râu bị đứt, gẫy. Ngoài ra, EDTA còn góp phần cung cấp thêm nitơ cho môi trường kích thích tảo phát triển, hòa tan, cô lập kim loại nặng trong ao nuôi tôm thịt. Hiện nay đối với xử lý nước trong trại giống, liều thường áp dụng khoảng 5 – 10 ppm.
Trong quá trình xử lý nước khi nuôi tôm thương phẩm, đối với những ao nuôi trong vùng có độ mặn thấp và đất nhiễm phèn, khi cấp nước vào ao khoảng 0,8 – 1 m, nếu độ kiềm thấp, nước có màu vàng nhạt. Có thể sử dụng EDTA ở liều 2 – 5 kg/1.000 m³ để xử lý trước khi bón vôi để nâng độ kiềm trong ao.
Trong quá trình nuôi, định kỳ dùng EDTA với liều thấp hơn, khoảng 1 – 2 kg/1.000 m³ nước (1 – 2 ppm). Hiện nay có nhiều sản phẩm phối chế có chứa thành phần EDTA, do đó người nuôi cần lựa chọn phù hợp với mục đích và sử dụng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất. EDTA nên được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời, tránh xa nước, độ ẩm cao, nguồn nhiệt.
Lưu ý, nên sử dụng các biện pháp an toàn khi vận chuyển và sử dụng như mang bao tay, khẩu trang, kính mắt để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Không để nhầm lẫn với các thực phẩm cho người và vật nuôi. Đậy kín khi không sử dụng.
Hỏi: Tôm có dấu hiệu nổi đầu sáng sớm, hoạt động chậm, bắt lên quan sát thấy trên vỏ bị đóng rong, mang có màu đen. Xin hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục?
(Trần Lệ Hằng, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau)
Trả lời:
Theo mô tả, tôm có thể bị bệnh đóng rong. Quan sát kỹ sẽ thấy bộ khung vỏ dày bị đóng rong, ruột teo, càng lớn dài. Tôm khó khăn trong việc trao đổi ôxy và chết khi hàm lượng ôxy không cao. Nguyên nhân là do yếu tố môi trường tạo ra trong đó tác nhân chính là tảo Nitzschia, tảo lục Enteromorpha, các loài tảo sợi và tảo lam, nấm, nguyên sinh động vật: như Zoothamnium, Epistylis, Vorticella; Các vi khuẩn dạng sợi như Leuthrix, Flavobacterium, vi khuẩn Vibrio, Flexibacter tác động lên nhau.
Bệnh thường xảy ra trong các ao nuôi tôm bị ô nhiễm đáy, quản lý môi trường nước không tốt, có nhiều thức ăn thừa, thiếu ôxy đáy. Khi mới bị đóng rong tôm vẫn khỏe, chắc thịt. Tuy nhiên, nếu nhiễm nặng tôm có thể bị bám ở chân và râu, chết khi lột xác, do đó có thể thấy xác tôm có vỏ rất mềm và sạch.
Tôm thường nổi đầu vào sáng sớm. Tôm hoạt động chậm, bơi ven bờ, tập trung nơi có nhiều ôxy. Thân tôm xốp, không chắc, giảm ăn, tôm chậm lột xác hay lột xác không hoàn toàn. Để phòng bệnh, cần quản lý chất lượng nước ao tốt, ổn định tảo trong ao và luôn đảm bảo nhu cầu ôxy cho tôm.
Tăng cường thay nước nhằm cải thiện môi trường đồng thời kích thích cho tôm lột xác. Khi phát hiện tôm bị đóng rong, việc đầu tiên cần làm là giảm ngay lượng thức ăn từ 5 – 10% kết hợp với việc trộn Vitamin C, tạt khoáng chất giúp tăng sức đề kháng và kích thích quá trình lột vỏ cứng.
BAN KHKT