(TSVN) – Các ban, ngành, địa phương tỉnh Nam Định đang tích cực, quyết liệt trong việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan về kiểm soát hoạt động khai thác hải sản nhằm khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban châu u (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Toàn tỉnh Nam Định hiện có 1.776 tàu cá với tổng công suất là gần 293.000 CV. Tàu cá có chiều dài từ 6 m đến dưới 12 m là 394 chiếc; chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m là 313 chiếc; chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m gồm 501 chiếc; dài từ 24 m trở lên có 20 chiếc. Có 521 tàu hoạt động khai thác thủy sản ở vùng khơi, 313 tàu khai thác ở vùng lộng còn lại là hoạt động ven bờ. Phân loại theo nghề thì nghề lưới rê chiếm đến gần 77%, lưới kéo chiếm gần 20%, còn lại là lồng bẫy, chụp mực, vây…
Các ban, ngành, địa phương tỉnh Nam Định đã triển khai thực hiện hàng loạt các biện pháp nhằm ổn định sản xuất cũng như hoàn thiện công tác quản lý khai thác thủy sản như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản mới và các quy định đi kèm cho ngư dân; phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương kiểm soát có hiệu quả hoạt động khai thác thủy sản, giám sát chặt hoạt động khai thác bất hợp pháp, không để tàu cá Nam Định vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.
Nam Định kiến quyết xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU. Ảnh: Mai Chiến
Từ năm 2022 đến nay, tình hình thời tiết tương đối thuận lợi, hoạt động khai thác ít bị gián đoạn, các tàu cá có công suất lớn đã mạnh dạn vươn khơi xa; khai thác thủy sản tiếp tục tăng cả về sản lượng và giá trị, cơ cấu nghề nghiệp được duy trì và phát triển theo đúng định hướng. Năm 2022, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh đạt 58.541 tấn; trong đó khai thác mặn lợ 56.241 tấn, khai thác nội đồng đạt 2.300 tấn, tăng 1,91% so với năm 2021. 8 tháng đầu năm 2023, sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 41.532 tấn, tăng 2% so cùng kỳ năm trước.
Kiểm soát hoạt động nghề cá tại các cảng cá là nội dung trọng tâm thực hiện khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Vì vậy, tỉnh Nam Định chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng, các địa phương quan tâm quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động các cảng cá; chú trọng thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động bốc dỡ hải sản và kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào cảng thuận lợi, đủ tiêu chuẩn.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nam Định có 2 cảng cá được công bố mở cảng và đưa vào khai thác sử dụng; trong đó Cảng cá Ninh Cơ là cảng loại I được Bộ công bố mở cảng và cảng cá Thành Vui là cảng loại III. Cảng cá Quần Vinh (Nghĩa Hưng) đang trong giai đoạn thi công.
Để triển khai công tác chống khai thác IUU, khắc phục các khuyến nghị để tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 67-IUU của tỉnh, Ban Quản lý các cảng cá đã nghiêm túc tổ chức triển khai quyết liệt các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT và của tỉnh về chống khai thác IUU. Phối hợp với Chi cục Thủy sản, Thanh tra sở, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá xây dựng quy trình kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào cảng; đồng thời ban hành quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ trực 24/24 giờ hàng ngày để giám sát, tổng hợp thông tin, dữ liệu báo cáo theo quy định.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Ban Quản lý cảng đã kiểm tra gần 1.000 lượt tàu cập cảng, 1.001 lượt tàu rời cảng, thu 947 sổ nhật ký khai thác; Cảng cá Thành Vui kiểm tra 63 lượt tàu cập cảng, 63 lượt tàu rời cảng và thu 63 sổ nhật ký khai thác. Tổng số sản lượng thuỷ sản giám sát bốc dỡ qua 2 cảng cá đạt gần 1.144 tấn. Đã thực hiện tốt công tác quản lý tàu cá, đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản.
Ban quản lý Cảng cá Nam Định đã thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đến các ngư dân Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn, đặc biệt là các quy định về khai thác IUU. Đồng thời tham mưu với Chi cục Thuỷ sản và lực lượng chức năng của tỉnh kiên quyết không cấp giấy tờ thủ tục đối với những tàu cá không đảm bảo an toàn, không trang bị đủ trang thiết bị theo quy định như: không có tín hiệu kết nối thiết bị VMS, không sơn ca-bin tàu cá, khai thác không đúng nghề theo giấy phép, hồ sơ tàu thiếu thiết kế kỹ thuật được thẩm định. Tăng cường lực lượng phối hợp tuần tra, kiểm soát trên biển để xử lý các tàu cá vi phạm về sử dụng kích điện, ngư cụ cấm, khai thác sai vùng… Phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ liên ngành kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá tại các cảng cá.
Anh Vũ
>> Đến nay toàn tỉnh Nam Định đã đăng ký cho tất cả 1.225 tàu cá; thực hiện đánh dấu 1.215/1.225 tàu cá, đạt 99,2%. Chi cục Thủy sản Nam Định đã cấp Giấy phép khai thác thủy sản cho 1.161/1.225 tàu đạt 94,78% tổng số tàu cá thuộc diện phải cấp phép; cập nhật dữ liệu thông tin 1.225/1.225 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 m trở lên trên phần mềm Vnfishbase. Số tàu cá từ 15 m trở lên đã lắp đặt thiết bị VMS là 507/515 tàu cá, đạt tỷ lệ 97,5%.