(TSVN) – Hỏi: Tôm hùm bỏ ăn, nằm nhiều ở đáy lồng. Bắt lên kiểm tra thì quan sát thấy thân xuất hiện đốm đen, có những sợi màu trắng bám như sợi tóc. Hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục?
(Trần Duy Phương, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận)
Trả lời:
Theo mô tả, tôm hùm có thể đã bị bệnh đen mang. Nguyên nhân là do các ký sinh trùng sán lá đơn chủ (xuất hiện nhiều sau các cơn mưa), nấm Fusarium, vi khuẩn dạng sợi Vibrio, nồng độ khí độc Amoniac (NH3) và Hydro Sulfur (H2S) trong môi trường cao. Khi bị bệnh, mang tôm bị đen do sắc tố Melanin phát triển tại các mô của mang bị ký sinh trùng phá hủy. Mang tôm có những điểm đen, các tơ mang chuyển màu đen, mang thối rữa toàn bộ. Quan sát bằng mắt thường thấy những búi sán lá đơn chủ trắng nhỏ như sợi tóc. Sán lá sẽ đục thủng mang gây hoại tử tế bào. Thân tôm cũng xuất hiện những đốm đen, mắt tôm cũng có thể chuyển sang màu đen. Bệnh xuất hiện ở cả tôm con và tôm trưởng thành. Tôm bỏ ăn, hô hấp kém, nằm dưới đáy lồng và chết hàng loạt. Biện pháp phòng, trị bệnh:
– Tắm cho tôm bằng Formol với nồng độ 15 – 25 ml/m3 nước trong 10 – 15 phút, có sục khí. Thời gian chữa trị từ 5 – 7 ngày.
– Tắm cho tôm bằng Sulfat đồng, nồng độ 0,5 g/m3 nước trong 5 – 7 phút, có sục khí. Thời gian điều trị từ 5 – 7 ngày. Lưu ý tôm bệnh sau khi xử lý thuốc cần được thả nuôi ở một lồng khác.
– Treo những túi vải có chứa vôi ở giữa lồng tôm hoặc đặt ở những vùng đáy lồng nuôi bị ô nhiễm. Vôi có tác dụng diệt ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn tốt.
– Có thể sử dụng một số kháng sinh như Norfloxacin, Nalidixic acid, Ciprofloxacin để phòng trị bệnh bằng cách trộn vào thức ăn với lượng 30 – 50 mg/kg thức ăn. Thời gian điều trị từ 5 – 7 ngày.
Hỏi: Ao nuôi đang có dịch đốm trắng. Xin hỏi biện pháp xử lý thích hợp?
(Nguyễn Hạnh Nhi, xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng)
Trả lời:
Đối với tôm nuôi đang bị thiệt hại do bệnh đốm trắng, trong trường hợp tôm đã đạt kích cỡ thương phẩm mà bị bệnh cần tiến hành thu hoạch ngay. Trong quá trình thu hoạch không để mầm bệnh khuyếch tán qua những ao xung quanh (nước ao nuôi sau khi thu hoạch phải được khử trùng bằng Chlorine với lượng 30 kg/1.000 m3), phương tiện vận chuyển phải kín và vệ sinh, khử trùng trước khi rời khỏi cơ sở nuôi và từ cơ sở chế biến trở về để hạn chế lây lan mầm bệnh.
Đối với tôm nhỏ không thể sử dụng để làm thực phẩm thì dùng hóa chất Chlorine (30 kg/1.000 m3) để xử lý, đóng cống hai tuần mới xả ra môi trường bên ngoài. Kết hợp thả nuôi cá rô phi trong ao lắng (trên 5 con/m2) để xử lý môi trường và cải tạo lại ao. Khi dịch bệnh trong vùng và điều kiện môi trường ổn định mới thả tôm nuôi lại, không xả nước thải tôm bị bệnh chưa qua xử lý ra ngoài gây ô nhiễm môi trường.
Đối với các cơ sở nuôi xung quanh ổ dịch, nên hạn chế người qua lại ổ dịch; thường xuyên vệ sinh, khử trùng khu vực nuôi; hạn chế cấp, thay nước chưa qua xử lý; tăng cường các biện pháp quản lý môi trường và nâng cao sức đề kháng cho đối tượng nuôi; thường xuyên theo dõi tình hình hình dịch bệnh trong vùng để có biện pháp phòng bệnh hợp lý, kịp thời và hiệu quả.
Ban KHKT