Khoảng 2, 3 giờ chiều, tại các bến neo đậu, ngư dân tất tả chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến biển cách bờ chừng 10-20 hải lý. Sáng sớm hôm sau, hàng loạt tàu trở về với hàng trăm ký hải sản dưới ánh bình minh rạng rỡ của ngày mới…
Đó là chu kỳ hoạt động của những con tàu công suất nhỏ, chuyên đánh bắt gần bờ của ngư dân Quảng Ngãi. Dù không có đủ tiền để sắm đủ ngư lưới cụ và đóng những con tàu to đi khơi xa, họ vẫn vươn khơi và thu lợi từ biển bằng sức lao động và tình yêu biển cả bao la.
Thắng lợi trở về
Như đã thành lệ, sau mỗi chuyến trở về, chủ thuyền Trần Văn Vinh- thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) cho chiếc thuyền đầy ắp cá cập bến vào tầm 5, 6 giờ sáng sau một đêm lao động vất vả. Ngư dân Vinh cùng 4 lao động khác nhanh chóng bắt tay vận chuyển cá cho các đầu nậu đã chờ sẵn trên bờ.
Ngư dân nhanh chóng chuyển cá vào bờ bằng thuyền thúng
Anh Vinh vừa bê khay cá nục nặng trĩu từ hầm lên đưa cho các anh em, vừa nói: Đó là thành quả lao động cả đêm thức trắng ngoài biển của anh em trên tàu. Chuyến này chắc cũng được hơn trăm ký cá. Tuy mệt nhưng đánh bắt hiệu quả nên ai cũng mừng!
“Do điều kiện chưa có nên tôi mới đóng được chiếc tàu công suất 50 cv để đi biển gần. 5 anh em trên tàu chịu khó làm việc, kéo lưới thả mồi thì cũng đủ sống. Dạo gần đây, biển cả ưu ái nên tàu nào đi gần cũng được đầy ắp cá. Chuyến này, mỗi lao động trên tàu sẽ thu khoảng 1-2 triệu đồng sau khi trừ các tổn phí”- anh Vinh khoe.
Không chỉ có tàu của ngư dân Vinh, bãi biển thôn Châu Thuận nhộn nhịp hẳn với sự trở về của 5-6 chiếc thuyền công suất nhỏ. Các khay cá: nục, hố, sòng, mực… liên tục được chuyền tay, tập kết trên bờ để đưa vào các xe đông lạnh đi tiêu thụ khắp nơi.
Bãi biển nhộn nhịp với cảnh mua bán cá- kết quả của chuyến biển đêm gần bờ
Anh Nguyễn Quang Khoa- ngụ xã Nghĩa An, Tư Nghĩa cũng cập bờ ở thôn Châu Thuận Biển để giao hàng cho các đầu nậu. Khuôn mặt đen nhẻm đặc trưng của ngư dân hôm nay ánh lên nét vui mừng vì được mùa. Anh Khoa cho hay: Các ngư dân có tàu lớn vươn khơi xa thì thu lợi lớn, còn mình chưa có đủ tiền đóng tàu lớn, chỉ đi gần kiếm sống. Có những lúc trắng tay trở về nhưng cũng có những ngày đưa tàu về bến “no căng bụng” như hôm nay.
Vững lòng tình yêu với biển
Nhịp lao động, đánh bắt gần bờ của các ngư dân đều như hơi thở. Mỗi tuần, các anh tổ chức đi đánh bắt khoảng 2 đêm. Những ngày còn lại, các ngư dân dùng để phục hồi sức lực và chuẩn bị cho những lần ra khơi tiếp theo. Với họ, hễ không ra biển đánh bắt như đúng lịch thì lại cảm thấy “ăn không ngon, ngủ không yên”.
“Nghề đi biển gần cũng vất vả vô cùng, lại chông chênh. Thế nhưng, lỡ như bị ốm đau không đi biển được thì lại cảm thấy cồn cào, khó chịu, như thiếu một cái gì đó. Lần nào đi cũng thắng lớn trở về như chuyến biển này thì chẳng mấy chốc tôi sẽ tích cóp mua được tàu to để vươn khơi xa”- Anh Khoa chia sẻ.
Bên cạnh những lần thắng lợi trở về, có không ít chuyến tàu cập bến cùng tiếng thở dài của các ngư dân. Với họ, đó là lẽ thường tình khi bám lấy nghề đi biển gần bờ để mưu sinh. Nỗi lo cơm áo gạo tiền không ít lần làm các ngư dân ấy nản chí.
Chuẩn bị lưới cho chuyến ra khơi tiếp theo
Ngư dân Nguyễn Quang Đắt- quê xã Phổ Thạnh, Đức Phổ bộc bạch: Có những đêm thức trắng chờ cá mà kéo lưới lên lại chẳng được mấy. Đưa tàu trở về bờ mà lòng chúng tôi nặng trĩu. Lúc đó, anh em trên tàu bàn tính đến chuyện bỏ nghề để kiếm việc khác có tiền hơn. Nhưng rồi, chúng tôi cũng không đành vì sẽ rất nhớ biển.
Với suy nghĩ tích cực “qua cơn mưa, trời lại sáng”, những ngư dân ấy lại căng buồm, ra khơi và thức đêm cùng biển. Biển chẳng phụ lòng người khi cho họ “lộc biển” đầy tàu sau những lần lỗ nặng. Tình yêu nghề, tình yêu biển cả đã được đáp trả bằng những khoang tàu nặng cá như hôm nay.
Cứ như vậy, các ngư dân tiếp tục bám biển trên những con tàu công suất nhỏ để mưu sinh và ấp ủ hy vọng: Rồi một ngày sẽ có đủ tiền đóng tàu lớn, vươn khơi xa. Trên mỗi chuyến ra khơi thức cùng biển, họ đang nỗ lực lao động để khi trở về, khuôn mặt họ lại rạng rỡ dưới ánh bình minh.