(TSVN) – Đại sứ quán Mỹ tại Tokyo đang hợp tác với chính phủ Nhật Bản để hỗ trợ các doanh nghiệp sò điệp bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc sau vụ xả nước thải hạt nhân.
Theo nguồn tin từ Đại sự quán Mỹ tại Nhật Bản, các nhà máy chế biến thủy sản của Trung Quốc nhập khẩu trên 100 triệu USD sò điệp Nhật Bản vào năm ngoái. Toàn bộ số sò điệp này sẽ được phân loại, đóng gói và tái xuất sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, sau lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc, các nguồn cung sò điệp Nhật Bản đang chật vật tìm đầu ra thay thế.
Xuất khẩu sò điệp mang lại khoảng 91 tỉ Yen trong năm 2022, gấp khoảng năm lần so với năm 2012. Nguồn: Fishcut Seafood
Đại sứ quán Mỹ đang làm việc với các cơ quan quản lý ngành thủy sản Nhật Bản để tìm giải pháp tháo gỡ. Theo đó, phía Mỹ đề xuất doanh nghiệp Nhật Bản tìm đến những công ty chế biến thủy sản đã đăng ký với Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ở thị trường khác ngoài Trung Quốc như Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam. Giải pháp này giúp sò điệp Nhật Bản có đầu ra, và nguồn cung sò điệp chế biến sang Mỹ cũng không bị gián đoạn.
Trước đó, Mỹ đã ủng hộ kế hoạch xả nước thải đã xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển Thái Bình Dương vào hồi đầu tháng 8/2023. Giới chức Mỹ đánh giá việc xả thải đang được tiến hành an toàn và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Rahm Emanuel, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản đã tới thăm hợp tác xã thủy sản ở Soma, tỉnh Fukushima sau khi tỉnh này bắt đầu xả nước thải hạt nhân. Ngoài ra, các quan chức Đại sứ quán Mỹ cũng đến tỉnh Hokkaido ở miền Bắc Nhật Bản để gặp gỡ các nhà sản xuất sò điệp địa phương và cùng bàn bạc giải pháp lưu thông thương mại sò điệp.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nhật Bản Ichiro Miyashita nhấn mạnh, chính phủ nước này sẽ đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và duy trì mục tiêu tăng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản và lương thực lên 2.000 tỷ Yen (khoảng 13,5 tỷ USD) vào năm 2025 và và 5.000 tỷ Yen vào năm 2030, so với mức 1.400 tỷ Yen trong năm 2022.
Dũng Nguyên
(Theo Fisnews)