(TSVN) – Tỉnh Đồng Tháp – thuần khiết như hồn Sen có 11 huyện, thị xã, thành phố. Nơi tôi sống là huyện Thanh Bình có 12 xã và 1 thị trấn. Thiên nhiên hào phóng đã dâng tặng con người biết bao tài nguyên quý gắn liền với môi sinh, môi trường mà cồn Phú Mỹ là địa danh được nhiều người biết đến và được mệnh danh là “làng Phú Mỹ xanh” giữa sông Tiền của thị trấn trung tâm huyện Thanh Bình.
Thanh Bình có Dinh Đốc Vàng
Có làng Phú Mỹ, có nàng mộng mơ
Nhìn một cách tổng thể, Cồn Phú Mỹ có dáng dấp một con thuyền hình thoi, nằm buông neo nhấp nhô giữa dòng Tiền Giang, án ngữ bởi hai con rạch Đốc Vàng Thượng và Đốc Vàng Hạ, với chu vi gần 8.000 m, chiều dài khoảng 3.000 m.
Làng Phú Mỹ có diện tích tự nhiên khoảng 8 km2, chỗ rộng nhất là 750 m với số dân hiện sinh sống trên Cồn là 913 người, với 227 hộ, nơi đây gắn liền với huyền thoại ông Cồn, bà Cồn.
Trong cơn lốc đô thị hóa, cồn Phú Mỹ dường như vẫn lưu giữ được vẻ đẹp nguyên sơ xanh mát, với sông nước hữu tình, đất đai màu mỡ, hoa trái ngọt lành… Ấn tượng đầu tiên khi đến cù lao Phú Mỹ xanh, du khách đi từ cửa ngõ Quốc lộ 30 thuộc địa phận khóm Tân Đông A rẽ vào con đường láng nhựa nhìn phía bên trái là một bức tường bê tông dài, với những bức tranh được vẽ theo từng chủ đề đặc trưng của huyện Thanh Bình như: phong cảnh sông nước hữu tình, vườn cây trái, vùng trồng rau nhút, hoa kiểng, làng nghề, sinh hoạt của người dân miệt cồn… thật sinh động, hấp dẫn và đẹp mắt. Qua cồn Phú Mỹ, thả bộ trên con đường láng nhựa phẳng phiu, với hai bên lề lộ được trồng những khóm hoa nhiều màu sắc rực rỡ, thỉnh thoảng du khách phải qua những cây cầu ván hay cầu mới đúc duyên dáng dưới vòm cây, làn nước xanh um. Sông Tiền đưa nước dẫn cá vào đìa…
Người dân đánh cá trên sông
Hửng sáng, ngoài sông dập dìu xuồng câu, xuồng lưới, mặt sông luôn vui nhộn. Ban đêm mặt nước lốm đốm ánh đèn giăng giăng của những chiếc xuồng câu, lưới đánh bắt thủy sản… Cồn Phú Mỹ bốn mùa khí hậu mát mẻ, hoa màu xanh tốt, cây trái trĩu cành, người dân thân thiện, mến khách. Dịp Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019, du khách đến Cồn Phú Mỹ sẽ được chiêm ngưỡng, chụp ảnh bên vườn dâu Hàn Quốc đang cho trái đỏ, căng mọng… Vườn dâu rộng 4.000 m2, với hơn 2.000 gốc dâu tây được gia đình ông Nguyễn Văn Phiêu ở thị trấn Thanh Bình đầu tư hơn nửa tỷ đồng trồng theo quy trình công nghệ sạch, an toàn, sử dụng mái che cách nhiệt và mở cửa đón du khách vào tham quan, trải nghiệm ở làng Phú Mỹ xanh. Bên cạnh đó, du khách còn được tận mắt chứng kiến hàng ngàn mét vuông vườn rau cạn đang trổ bông rực rỡ sắc màu và chiêm ngưỡng hàng trăm cây ô môi có tuổi đời hàng chục năm đang được trồng tại cồn Phú Mỹ, thị trấn Thanh Bình.
Đến Cồn Phú Mỹ xanh, du khách sẽ được nghe kể về truyền thuyết ngôi đền thờ ông Cồn, bà Cồn – một vết tích bảo lưu còn lại của những cư dân đầu tiên đến vùng đất bãi bồi này sinh cơ, lập nghiệp. “…Vào những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ XX, có ông Hai Dùng là một trong những cư dân đầu tiên đặt chân lên mảnh đất bãi bồi này để khai hoang, lập nghiệp. Trong một đêm đang nằm ngủ, ông chiêm bao thấy “một ông già có vóc dáng to lớn, khỏe mạnh đến hỏi: cháu làm ăn ở đây phải không? Muốn cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, làm ăn thịnh vượng… thì phải thờ cúng đất đai nơi mình sinh sống! Được thần linh báo mộng, sáng hôm sau, lão nông kể lại cho mọi người nghe rồi cùng nhau tổ chức dâng cúng. Hàng năm cứ vào ngày rằm và 16 tháng 6 âm lịch, cư dân cù lao phân công nhau tổ chức cúng luân phiên, ăn tập thể để gắn kết cộng đồng”
Cổng đền thờ ông Cồn, bà Cồn
Lại có một giai thoại khác kể rằng: “Cách đây khoảng 70 năm, khi cồn này mới nổi lên một mô đất cao có một nhóm người sinh sống bằng nghề hạ bạc khi gặp mưa dông, gió lớn… thường trú ẩn trên mô đất này. Trong số đó có một đôi vợ chồng già dựng một cái chòi ở lại trên mô đất này. Mỗi ngày, ngoài việc thả lưới, giăng câu… ông bà còn tỉa bắp, trồng khoai, cấy lúa để mưu sinh. Đất cồn ngày càng được phù sa bồi lấp thêm, cư dân thấy vậy đến đây sinh cơ lập nghiệp mỗi ngày một đông. Trong thời gian sinh sống, ông bà thường hay giúp đỡ mọi người mỗi khi “tối lửa tắt đèn”. Gần mười năm sau, do tuổi cao, sức yếu, ông bà quy tiên và được người dân tôn sùng là tiền hiền có công khai khẩn đất Cồn đầu tiên. Từ đó, cư dân tín ngưỡng đồng lòng lập nên một cái am nhỏ thờ ông Cồn, bà Cồn. Đến năm 1996, ông Tư Sanh hiến đất cất một cái am để mọi người có nơi thờ cúng. Năm 2015, được Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đã xây dựng lên ngôi đền thờ ông Cồn, bà Cồn trên diện tích 490 m2, khung thép, lợp tôn. Gần đây, thời điểm thờ cúng ông, bà Cồn đã được dời đổi vào ngày rằm và 16 tháng 3 âm lịch hàng năm”.
Ngôi thờ ông Cồn, bà Cồn
Phần đông dân Cồn Phú Mỹ quê tôi sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Nguồn lợi kinh tế gồm: bắp, khoai, đậu, ớt, mía và vườn cây ăn trái như: xoài, ổi, dừa… Đặc biệt, có loài cây thủy sinh được dân Cồn Phú Mỹ trồng nhiều, đó là rau thủy Tiên (còn gọi là rau nhút)! Đây là loài trầm thủy, thân thảo mềm được bao bọc bởi lớp phao trắng xốp, rể mọc ra từ đốt thành chùm. Rau nhút bò trên mặt nước, có lá kép hình lông chim giống như lá của loài cây trinh nữ. Bông rau nhút nhỏ, màu vàng in trên nền lá xanh lấp lánh trên mặt nước… trông rất đẹp mắt.
Hái rau nhút bên bờ sông
Đọt non của rau nhút ăn sống rất ngon, ngọt, bổ và có vị thuốc. Cọng rau nhút được chế biến các món ăn hấp dẫn, giàu dinh dưỡng như: luộc, nhúng lẩu mắm, nấu canh chua với cá đồng… mà dân gian ta có câu:
“Muốn ăn rau nhút, mắm kho
Qua Cồn Phú Mỹ ăn cho đã thèm”
Những năm gần đây, ngành Du lịch tỉnh Đồng Tháp và huyện Thanh Bình đang gấp rút triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng điểm tham quan du lịch vẻ đẹp “Làng Phú Mỹ xanh”, tổ chức các điểm homestay, bơi xuồng trên sông… để du khách trải nghiệm cuộc sống thanh bình, thưởng thức sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, an toàn… giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống địa phương.
Trần Trọng Trung