(TSVN) – “Sản lượng tôm nuôi toàn cầu sẽ giảm nhẹ trong cả năm 2023 do giá bán ở mức thấp, nhưng sẽ quay đầu tăng và đạt 6 triệu tấn vào năm sau” – theo ông Gorjan Nikolik, Giám đốc phân tích thủy sản của Rabobank.
Tại hội nghị Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GSA) diễn ra ở thành phố Saint John thuộc tỉnh New Brunswick, Canada (ngày 2 – 5/10/2023) ông Gorjan Nikolik, Giám đốc phân tích thủy sản của Rabobank, đưa ra dự báo: với giá bán thấp như hiện nay, sản lượng tôm toàn cầu của cả năm 2023 sẽ giảm nhẹ (0,4%) và có thể phục hồi lên gần 6 triệu tấn vào năm tới.
Ông cho biết tổng sản lượng tôm của khu vực châu Á năm 2023 có thể chỉ đạt 3,8 triệu tấn, giảm 3,1% so với năm ngoái, sau đó sẽ quay đầu tăng 3,9% trong năm 2024.
Đối với khu vực Mỹ Latinh, nhờ sức sản xuất vũ bão của Ecuador và Brazil, Rabobank dự báo tăng trưởng 4,8% trong năm 2023 lên 1,8 triệu tấn, sau đó tiếp tục tăng 6,9% vào năm 2024. Phát biểu tại GSA, ông Nikolik cho biết: “Năm ngoái sản lượng tôm toàn cầu tăng 7,4%; năm nay chỉ giảm 0,4% và dự báo tăng trưởng 4,8% vào 2024. Hiện nay giá bán tôm và chi phí nuôi đều ở mức cao – thấp kỷ lục, vậy sức sản xuất của cả năm 2023 giảm 0,4% liệu có giải quyết được tình thế cung vượt cầu? Tôi thực sự không biết.”
Ông Nikolik cho rằng Ecuador là “người giữ vai chính” trong “vở kịch” sản xuất tôm toàn cầu năm 2023, bởi nước này vẫn giữ mục tiêu sản xuất 1,5 triệu tấn tôm, tăng 14% so với năm ngoái. Đây cũng là thông tin mới nhất ông Nikolik nhận được từ Ecuador, trùng khớp với dự báo của ông Gabriel Luna đưa ra tại Diễn đàn Tôm Toàn cầu ở Uchetch, Hà Lan (ngày 5 – 7/9/2023).
Dự kiến tăng trưởng của ngành sản xuất tôm tại một số quốc gia.
Ngoài ra, không thể không kể đến Trung Quốc, sức sản xuất của quốc gia đông dân nhất hành tinh này đã nhảy vọt, ước tính tăng 8.8% lượng tôm thẻ chân trắng và tôm sú trong năm 2023, vượt mức 1 triệu tấn. Dự báo 2024 con số này sẽ còn cao hơn nữa bởi Trung Quốc đã cho lắp đặt hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS) gần các thành phố lớn và đầu tư rất nhiều công nghệ hiện đại. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ đẩy mạnh sản xuất tôm lên mức 2 triệu tấn.
Sản lượng tôm thẻ chân trắng, tôm sú và các loại tôm khác của Ấn Độ được dự báo sẽ giảm 12,4% trong năm 2023, sau đó sẽ phục hồi 2% vào năm sau.
Các nhà sản xuất chính của Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia, và Thái Lan cũng ghi nhận giảm sản lượng tôm cả năm. Trong đó, dự báo Việt Nam giảm 15,1% xuống còn 720.000 tấn (tôm thẻ chân trắng và tôm sú) sau đó sẽ tăng 5,6% vào 2024; Indonesia giảm 5,1% xuống còn 400.000 tấn (tôm thẻ chân trắng và tôm sú), sau đó tăng 3,6% vào năm sau.
Brazil, ông lớn trong ngành sản xuất tôm với sức tăng trưởng như vũ bão được dự báo tăng 12,2% hoặc hơn trong năm 2023, sau đó qua 2024 sẽ tiếp tục tăng khoảng 8,9%.
Vượt lên nằm trong top 4 các nhà sản xuất tôm của Mỹ Latinh, Venezuela đang giữ phong độ và sẽ đạt 100.000 tấn trong vài năm tới. Bằng chứng là công ty Grupo Lamar – một công ty gia đình đang chiếm tới 70% sản lượng tôm nuôi của Venezuela – vẫn không ngừng phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học trong trại tôm để cho ra đời các thế hệ tôm vượt trội với chi phí thấp, năng suất cao.
>> Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GSA) - tiền thân là Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu (GAA). GSA thúc đẩy thực hành thủy sản có trách nhiệm trên toàn thế giới thông qua giáo dục, hoạt động hỗ trợ và thực hiện. GSA tổ chức các hội nghị giữa các nhà lãnh đạo trong ngành thủy sản, giới học thuật và các tổ chức phi chính phủ nhằm tạo dựng sự hợp tác để giải quyết các vấn đề nổi cộm như trách nhiệm môi trường và xã hội, sức khỏe và phúc lợi động vật, an toàn thực phẩm...Các thành viên GSA là các nhà sản xuất, tổ chức và cá nhân được chứng nhận. Năm 2023, Hội nghị thường niên GSA được tổ chức tại thành phố Saint John thuộc tỉnh New Brunswick, Canada từ ngày 2 - 5/10 với chủ đề thủy sản tự nhiên và khai thác.
An Vy
(Theo Undercurrentnews)