(TSVN) – Hỏi: Lưu ý nuôi tôm quảng canh cải tiến?
(Trần Huỳnh Trung, xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang)
Trả lời:
– Nên thiết kế và xây dựng ao nuôi cho phù hợp (diện tích từ 0,5 – 1 ha) giúp người nuôi dễ quản lý, hạn chế chi phí trong quá trình sản xuất.
– Cần đào ao trên tầng phèn để hạn chế quá trình xì phèn làm biến động các yếu tố môi trường gây bất lợi cho tôm nuôi.
– Nên xây dựng bờ bao chắc chắn, không được rò rỉ và phải cao hơn mực nước cao nhất là 0,5 m. Vì nếu bờ bao không chắc chắn sẽ làm thất thoát nguồn nước, gây ảnh hưởng đến môi trường nước ao.
– Người nuôi cần thiết kế ao lắng để dự trữ và xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi để hạn chế mầm bệnh xâm nhập vào ao nuôi và có nguồn nước dự phòng khi cần thiết.
– Trong quá trình nuôi tháng thứ nhất, nên bón phân định kỳ 5 – 7 ngày/lần với liều lượng 1 – 2 kg/1.000 m3 nước để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm trong giai đoạn còn nhỏ.
– Định kỳ bổ sung chế phẩm vi sinh theo liều hướng dẫn của nhà sản xuất.
– Bón vôi nông nghiệp (CaCO3) định kỳ 10 – 15 ngày/lần với liều lượng 1 – 2 kg/100 m3 nước để ổn định môi trường giúp tôm phát triển tốt.
– Lựa chọn con giống ở những cơ sở có uy tín và được xét nghiệm PCR trước khi thả. Con giống trước khi thả vào ao nuôi nên gièo lại trong ao gièo vì như vậy khi thả tôm vào ao nuôi tỷ lệ sống cao và kiểm soát được lượng tôm giống thả, từ đó, thuận tiện hơn trong quá trình chăm sóc và quản lý.
– Trong quá trình chăm sóc nên cho tôm ăn vào sàng ăn và cho ăn vừa phải tránh cho ăn dư thừa làm bẩn nền đáy phát sinh các khí độc, tảo phát triển nhiều làm môi trường ao nuôi dễ biến động, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe tôm.
BAN KHKT