Kỹ thuật nuôi cá kình trong ao

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cá kình dễ nuôi, tiêu thụ tốt, là đối tượng nuôi phù hợp cho các vùng ao đầm bỏ hoang mùa nắng nóng. Đặc biệt, nuôi cá kình theo hướng an toàn, bền vững sẽ tạo tiền đề bổ sung đối tượng nuôi mới để luân canh, xen canh với tôm, cua, nhằm hạn chế suy thoái môi trường, dịch bệnh…

Yêu cầu ao nuôi

Gần nguồn nước để đảm bảo cung cấp đầy đủ trong suốt quá trình nuôi, nước phải sạch bảo đảm các chỉ tiêu nuôi cá; không có nước thải đổ vào như nước thải các nhà máy công nghiệp, nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi gia súc, gia cầm đặc biệt là nước thải y tế.

Có khả năng cấp thoát nước chủ động, không bị hạn hán và không bị ngập úng trong mùa mưa lũ.

Phải có hệ thống giao thông thuận tiện giúp cho việc cung ứng vật tư, trang thiết bị và tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi.

Điều kiện thổ nhưỡng: Ít mùn bã hữu cơ, độ kết dính của đất tốt, không bị sạt lở và giữ được nước, tốt nhất là đất thịt hoặc đất thịt pha cát.

Đối với ao nuôi mới: Cho nước vào, nước ra 2 – 3 lần rồi tiến hành diệt tạp và gây màu nước như đối với ao cũ.

Ngoài ra, người nuôi có thể tận dụng ao tôm nuôi không hiệu quả để nuôi cá kình. Ao nuôi có hình chữ nhật hoặc hình vuông với diện tích từ 1.000 – 10.000 m2, tốt nhất là 3.000 – 5.000 m2, độ sâu trung bình 1,5 – 2 m nước.

Ao nuôi chủ động được nguồn nước sạch và dễ thay nước, không bị cớm rợp đảm bảo mặt nước được thông thoáng, nhằm tăng cường khả năng hoà tan ôxy từ không khí vào nước.

Bờ ao chắc chắn, cao hơn đỉnh triều để tránh thất thoát khi mưa lớn. Nếu có điều kiện nên kè bờ bằng bê tông hoặc xây gạch để hạn chế xói lở khi vận hành máy quạt nước. Ao nuôi cá bờ ao phải gia cố chắc chắn.

Mỗi ao cần có cống cấp và tiêu nước riêng để thuận tiện cho việc thay đổi nước. Đáy ao bằng phẳng và dốc về cống thoát nước.

Cá kình dễ nuôi, tiêu thụ tốt. Ảnh: Việt Toàn

Cải tạo

Trước tiên, tiến hành hút cạn ao và nạo vét bớt lớp bùn đáy, phát quang bụi rậm và cây cỏ quanh ao, bắt hết cá tạp, tiến hành tu sửa bờ ao, lấp các hang hốc và các chỗ rò rỉ. Tiến hành bón vôi với liều lượng từ 7 – 10 kg/100 m2. Trồng rong trong ao để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá kình trong quá trình nuôi. Sau đó cho nước vào ao nuôi kết hợp với bón phân gây màu nước để tạo nguồn thức ăn tự nhiên. Nguồn nước bơm vào ao phải được đưa qua lưới lọc để ngăn cá tạp theo nước vào ao.

Lưu ý: Sau mỗi vụ nuôi, phải phơi khô cứng nền đáy ao nuôi khoảng 1 – 2 tháng để tiêu diệt các mầm bệnh, khoáng hóa và phục hồi môi trường nền đáy. Kiểm tra và điều chỉnh các yếu tố môi trường nước ao nuôi đảm bảo trong ngưỡng thích hợp trước khi thả giống: Hàm lượng ôxy hòa tan (DO) >4 mg/l; pH 7 – 9 (dao động trong ngày không quá 0,5); độ mặn: 15 – 20‰; độ kiềm 80 – 120 mg/l; độ trong 30 – 40 cm; NH3 <0 0,1 mg/l (độ độc của khí NH3 tăng khi pH tăng lên); H2S <0,01 mg/l (độ độc của khí H2S tăng khi độ pH giảm xuống).

Đối với những hộ nuôi có ao lắng thì khi cải tạo ao nuôi cũng nên cải tạo ao lắng. Không diệt tạp ở ao nuôi mà chỉ diệt tạp ở ao lắng.

Chọn giống

Nên chọn cá có màu sắc tươi sáng, không dị hình, vây vảy hoàn chỉnh, không bị xây xát, lở loét. Mật độ thả khoảng 50 con/m2.

Thả giống vào lúc trời mát, thời gian thả 6 – 9h sáng hoặc 17 – 19h chiều, tránh lúc trưa nắng nhiệt độ cao. Nếu giống được vận chuyển kín thì ngâm túi chứa cá trong ao 15 – 20 phút, sau đó mở túi để nước trong ao vào túi từ từ rồi thả ra ngoài. Nếu vận chuyển hở thì đưa thùng vận chuyển xuống ao cho nước ao vào sau đó nghiêng dụng cụ để cá tự bơi ra ngoài.

Quản lý, chăm sóc

Thức ăn sử dụng trong quá trình nuôi cá kình là thức ăn công nghiệp và các loại rong có sẵn trong ao hoặc thu vớt từ tự nhiên. Thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm >40%, khẩu phần ăn dao động khoảng 3 – 10% trọng lượng cá trong ao.

Cho cá ăn ngày 2 lần, thời gian cho ăn vào buổi sáng 7 – 8h và buổi chiều 16 – 17h.

Định kỳ bổ sung Vitamin C với liều lượng 5 g/kg thức ăn, men tiêu hóa 5 g/kg thức ăn kết hợp với dầu mực 10 – 15 ml/kg thức ăn.

Ngoài ra, người nuôi cần quan sát tình trạng sức khỏe cũng như diễn biến thời tiết để tính toán lượng thức ăn cho phù hợp. Thường xuyên theo dõi mực nước trong ao nuôi để đảm bảo độ sâu thích hợp; kiểm tra bờ ao và đăng cống nhất là khi mưa bão để tránh cá bị thất thoát ra ngoài. Định kỳ kiểm tra các yếu tố môi trường trong ao, đảm bảo nằm trong ngưỡng thích hợp cho cá phát triển. Theo dõi các diễn biến thời tiết vào mùa mưa lũ để có biện pháp ứng phó. Quá trình nuôi cần phải thay nước, chạy quạt nước để đảm bảo hàm lượng ôxy cho cá.

Thu hoạch

Sau 2,5 tháng nuôi, cá kình sinh trưởng phát triển nhanh, kích cỡ bình quân đạt 20 con/kg thì có thể tiến hành thu hoạch. Có hai hình thức là thu tỉa và thu toàn bộ, người nuôi dựa vào thị trường để lựa chọn hình thức phù hợp.

>> Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị, anh Hoàng Thế Vinh ở thôn Nam Sơn, xã Trung Giang (huyện Gio Linh) đã chuyển đổi ao tôm sang nuôi thử nghiệm cá kình trên diện tích 3.000 m2, mật độ thả 50 con/m2. Sau 2,5 tháng nuôi, cá kình sinh trưởng phát triển nhanh, kích cỡ bình quân đạt 20 con/kg, sản lượng ước đạt 1,8 - 2 tấn, với giá bán 120.000 đồng/kg, anh Vinh ước tính sẽ thu lãi trên 100 triệu đồng.

Thái Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!