(TSVN) – Hỏi: Tôm có hiện tượng rớt cục thịt thì nguyên nhân do đâu và cách phòng ngừa bệnh?
(Lê Huyền Trâm, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre)
Trả lời:
Tôm rớt cục thịt thường xảy ra trong giai đoạn tôm được 2 tháng tuổi đến lúc thu hoạch, hoặc có thể sớm hơn nhưng cũng từ thời điểm tôm được hơn 1 tháng tuổi. Ngoài nguyên do người nuôi thả tôm với mật độ quá dày. Một nguyên nhân khác thường gặp hơn đó là môi trường nước thay đổi, cụ thể là sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ nước, hoặc các chỉ số về độ pH hay ôxy hòa tan biến đổi. Ngoài ra còn phải kể đến nguyên do thiếu hụt khoáng chất trong ao nuôi. Đặc biệt khi kết hợp với việc nuôi thả tôm mật độ dày, ao nuôi có độ mặn quá thấp, câu chuyện thiếu hụt khoáng chất khi đó sẽ trầm trọng hơn theo thời gian. Một số khoáng chất mà môi trường ao nuôi thường xuyên thiếu hụt gồm có Na+, Mg2+ hay K+. Hiện tượng này không phải một bệnh lý nghiêm trọng, để phòng bệnh cần rà soát lại, quản lý và chăm sóc tốt hơn nữa cho môi trường ao nuôi cũng như chất lượng nguồn nước. Chú ý nuôi thả với mật độ phù hợp, tránh thức ăn dư thừa vì sẽ phát sinh thêm khí độc. Kết hợp ứng dụng vi sinh để hạn chế ao nuôi nhiễm khuẩn, tạo điều kiện cho nhiều mầm bệnh phát triển. Sau cùng cần thường xuyên kiểm tra các chỉ số nước như độ kiềm, độ pH, ôxy hòa tan…, đặc biệt khi tình trạng mưa lớn kéo dài.
Ban KHKT