THỨ BA, ngày 21/1/2025

Khánh Hòa: Nhiều mô hình khuyến ngư chất lượng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Những năm qua, thông qua xây dựng các mô hình trình diễn thử nghiệm, Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa đã chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật sản xuất thủy sản đến nông dân. Nhiều mô hình khuyến ngư đã trở thành hướng đi mới hiệu quả được nhân rộng trên địa bàn.

Đồng hành cùng nông dân 

Trong các mô hình khuyến ngư thí điểm, Khánh Hòa đã triển khai một mô hình rất thành công, đó là nuôi cá giò trên biển bằng lồng HDPE theo công nghệ của Na Uy. Kết quả khảo sát mô hình cho thấy các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với yêu cầu đề ra, như tỷ lệ sống tăng 10%. Nếu so sánh với mô hình nuôi cá giò bằng lồng truyền thống thì hiệu quả kinh tế tăng 13,2%, tỷ suất lợi nhuận tăng 56% so với chi phí đầu tư. Mô hình triển khai là hướng đi mới cho người dân nuôi cá biển tại địa phương học tập và làm theo, các hộ tham gia mô hình nhiệt tình, ham học hỏi và có khả năng truyền đạt tốt kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi cho các hộ dân nuôi cá biển khác. Đồng thời, việc chuyển đổi lồng nuôi cá biển từ lồng truyền thống (lồng gỗ) sang lồng nuôi HDPE cũng sẽ hạn chế việc khai thác rừng để làm lồng, giúp bảo vệ môi trường. 

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham quan mô hình nuôi thủy sản tại Vạn Ninh (Khánh Hòa). Ảnh: C.T

Ngoài ra, mô hình nuôi TTCT 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc phù hợp với điều kiện ở địa phương. Mô hình tạo môi trường ao nuôi ổn định trong suốt quá trình nuôi thông qua việc bón sản phẩm men vi sinh, mật rỉ đường, khoáng chất nhằm nâng cao tính ổn định, năng suất hơn 20 tấn/ha, an toàn dịch bệnh. 

Hay mô hình chuỗi cung cấp tôm hùm, ốc hương, tôm thẻ chân trắng an toàn VietGAP tại huyện Vạn Ninh, TP Cam Ranh, TP Nha Trang và thị xã Ninh Hòa, với tổng diện tích được chứng nhận lần lượt 2.400 ô lồng, 87 ha và 8.95 ha. 

Nâng tầm sản xuất 

Theo Kế hoạch khuyến nông Khánh Hòa giai đoạn 2022 – 2026, nhiệm vụ trọng tâm của công tác khuyến nông trong những năm tới là trình diễn và chuyển giao những ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cho người dân trên tinh thần bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. 

“Với quan điểm các nội dung nhiệm vụ phải thiết thực, phù hợp, dễ triển khai, dễ nhân rộng trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc trưng…, công tác khuyến nông thời gian tới tiếp tục đi sâu vào việc nâng tầm sản xuất thông qua các mô hình an toàn, bền vững, giá trị cao” – ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa cho biết. 

Kế hoạch khuyến công năm 2023 được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt với tổng kinh phí thực hiện hơn 2,1 tỷ đồng. Theo đó, trong năm, các hoạt động khuyến công trọng tâm gồm: Hỗ trợ mô hình ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đối với 9 đề án khuyến công; nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công và hoạt động phát triển tư vấn cung cấp thông tin; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. 

Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN&PTNT Khánh Hòa cho biết: “Thời gian tới, đề nghị Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung triển khai các mô hình nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, sản xuất nông nghiệp hữu cơ và an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, gắn với du lịch sinh thái”. 

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!