(TSVN) – Theo Cục Thống kê Ninh Bình, sản lượng thủy sản tháng 9/2023 ước đạt 5,9 nghìn tấn, tăng 3,7% (tăng 0,2 nghìn tấn) so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng nuôi trồng ước đạt 5,3 nghìn tấn, tăng 4,0%, sản lượng khai thác ước đạt 0,6 nghìn tấn, tăng 0,4%.
Lũy kế sản lượng thủy sản 9 tháng đầu năm ước đạt 51,4 nghìn tấn, tăng 3,8% (tăng 1,9 nghìn tấn) so với cùng kỳ năm trước; Trong đó: sản lượng nuôi trồng đạt 46,0 nghìn tấn, tăng 3,9% (tăng 1,8 nghìn tấn); sản lượng thủy sản khai thác đạt 5,4 5 nghìn tấn, tăng 2,6% (tăng 0,1 nghìn tấn).
Thu hoạch ngao huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Ảnh: CTV
Sản lượng cá ước đạt 26,9 nghìn tấn, tăng 2,1% (tăng 0,6 nghìn tấn); sản lượng tôm ước đạt 3,2 nghìn tấn, tăng 7,0% (tăng 0,2 nghìn tấn); sản lượng thủy sản khác ước đạt 21,3 nghìn tấn, tăng 5,5% (tăng 1,1 nghìn tấn).
Nguyên nhân sản xuất thủy sản tăng do điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, các đối tượng nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra. Việc đa dạng hình thức và đối tượng nuôi đã góp phần làm tăng sức cạnh tranh cũng như giá trị của sản phẩm nuôi trồng. Các địa phương đã chuyển đổi mạnh từ hình thức nuôi quảng canh, bán thâm canh sang nuôi thâm canh, siêu thâm canh năng suất cao, đặc biệt diện tích nuôi tôm trong nhà lưới, nuôi qua đông tiếp tục được mở rộng, góp phần nâng cao sản lượng và giá trị. Hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh được duy trì ổn định tại các vùng nuôi tập trung, nhiều hộ đã ứng dụng công nghệ vi sinh để quản lý môi trường ao nuôi, nhằm nâng cao năng suất và thu nhập cho người nuôi. Do đó sản lượng đều tăng ở cả vùng nước ngọt và nước mặn lợ.
Sản xuất giống nhuyễn thể tiếp tục phát triển mạnh do thị trường được mở rộng, quy trình ngày càng được hoàn thiện và trình độ của người dân được nâng cao; Vùng nuôi ngao huyện Kim Sơn đã được chứng nhận ASC đủ tiêu chuẩn xuất khẩu trên thế giới.
Thời gian tới, Ninh Bình chú trọng vào giải pháp nâng cao chất lượng đối tượng thủy sản nuôi để tăng giá trị thu nhập, hướng tới phục vụ xuất khẩu.
Anh Vũ