(TSVN) – Phục hồi rạn hàu, một trong những trong những hệ sinh thái bị đe dọa nghiêm trọng nhất thế giới, đang góp phần thay đổi diện mạo toàn vùng vịnh Deep, phía Nam Hồng Kông.
Những dịch vụ hệ sinh thái mà rạn hàu cung cấp cho con người ngày càng được ghi nhận. Rạn hàu được hình thành từ hàng ngàn nhuyễn thể có vỏ gắn kết với nhau thành từng lớp theo thời gian. Chúng không chỉ là bức tường thành tự nhiên chống xói mòn do thủy triều, bão lũ mà còn đóng vai trò như những ‘cỗ máy’ lọc nước thu nhỏ rất cần thiết cho hệ sinh thái biển.
Không “nổi tiếng” như rạn san hô và rừng ngập mặn, nhưng rạn hàu khá phổ biến ở các vùng cửa sông, vịnh, bãi triều khu vực ôn đới, cận nhiệt đới, và cả vùng nhiệt đới. Nhưng khai thác quá mức, ô nhiễm cộng với biến đổi khí hậu đã khiến rạn hàu bị thu hẹp gần 30% và trở thành một trong những hệ sinh thái bị đe dọa nghiêm trọng nhất thế giới.
Sự biến mất của những rạn hàu tại các vùng biển Trung Quốc đã ở mức báo động. Theo một nghiên cứu năm 2013 – 2014, một trong những rạn hàu lớn nhất tại Liyashan, tỉnh Giang Tô đã bị thu hẹp gần 40% trong vòng 10 năm qua, phần lớn do tình trạng bồi lắng quá mức bởi các dự án kỹ thuật ven biển gây ra.
Tuy nhiên, vẫn còn tia hi vọng hồi sinh rạn hàu. Phong trào khôi phục rạn hàu đang lan khắp thế giới khi nhận thức về tầm quan trọng của hệ sinh thái này được nâng cao. Trung Quốc cũng đang tích cực thực hiện các dự án phục hồi rạn hàu. Điển hình là dự án Pak Nai ở Hồng Kông của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên (TNC) và Đại học Hồng Kông từ năm 2020. Đây là dự án khôi phục hệ sinh thái tự nhiên của trại hàu bị bỏ hoang và nghiên cứu đa dạng sinh học của khu vực.
Pak Nai là là vùng đất ngập nước ở Tây Bắc Hồng Kông, đối diện thành phố Thâm Quyến trên bờ Nam vịnh Deep. Các bãi triều ở đây là môi trường sống lý tưởng của rừng ngập mặn, thảm cỏ biển cùng hệ sinh thái đa dạng. Các rạn hàu tự nhiên thường phát triển trên hệ sinh thái ven biển và thảm cỏ biển này, ngăn chặn xói mòn và thúc đẩy quá trình lọc nước.
Rất ít rạn hàu tự nhiên còn sót lại quanh Hồng Kông. Nhưng nghề nuôi hàu trên bãi triều vịnh Deep đã có lịch sử hàng trăm năm. Nông dân nuôi hàu theo kỹ thuật truyền thống bằng trụ bê tông cắm sâu xuống bùn làm nơi trú ngụ cho hàu.
Từ những năm 1970, nông dân vịnh Deep áp dụng kỹ thuật nuôi hàu treo dây thừng du nhập từ Nhật Bản. Phía Thẩm Quyền, hoạt động nuôi hàu bị cấm từ đầu năm 2000.
Nuôi hàu là kế sinh nhai chính của làng Lau Fau Shan, cách Pak Nai vài km về phía bờ biển vịnh Deep. Tuy nhiên, nghề nuôi hàu truyền thống của khu vực này đã mai một trong vài thập kỷ qua khi nhiều thế hệ lớn tuổi nghỉ hưu còn người trẻ tìm cơ hội đổi đời ở nơi khác. Biến đổi khí hậu và tảo độc nở hoa cũng đang giết chết dần các trại nuôi hàu nơi đây. Để vực dậy ngành công nghiệp này, các nhà khoa học từ Đại học Hồng Kông đang theo dõi hàu nuôi tại Lau Fau Shan phản ứng với nhiệt độ nước tăng cao và quá trình axit hóa, đồng thời thử nghiệm cách loại bỏ chất gây hại trong thịt để hàu trở thành thực phẩm an toàn.
Hàu Lau Fau Shan chủ yếu tiêu thụ tươi sống tại các chợ ở Hồng Kông, hoặc chế biến thành dầu hào.
98% sản lượng hàu toàn cầu có nguồn gốc nuôi trồng, trong đó Trung Quốc góp 85%. Trước đây, một số quốc gia như Mỹ và Australia khai thác hàu từ các rạn tự nhiên bằng kỹ thuật nạo vét đáy biển, đục đẽo đá gây tổn hại hệ sinh thái.
Nghề nuôi hàu vịnh Deep mai một dần cùng sự “phất lên” của hệ thống nuôi lồng bè đồng nghĩa nhiều trại nuôi hàu truyền thống ven biển bị bỏ hoang như ở Pak Nai. Nhưng tại đây, các nhà khoa học từ Đại học Hồng Kông đã phát hiện hệ sinh thái dần phục hồi và phát triển đa dạng hơn nhờ môi trường không bị xáo trộn. Do đó, họ đã hợp tác với TNC để hồi sinh rạn hàu tự nhiên với hi vọng thúc đẩy hơn nữa đa dạng sinh học.
Các trụ bê tông cũ được đào lên, xếp gọn gàng để ngăn hàu hình thành rạn có cấu trúc quá lớn hoặc phức tạp, và để thu hoạch hàu dễ dàng hơn. Những trụ bê tông bám đầy hàu được di chuyển đến mực nước triều thấp và xếp chồng lên nhau để hàu phát triển mạnh hơn, từ đó hình thành rạn hàu nhân tạo khởi đầu.
Rạn hàu nhân tạo có cấu trúc 3 chiều, tự nhiên hơn với nhiều bề mặt cứng cho hàu bám. Tổ chức TNC cũng đang tạo nhiều rạn nhân tạo từ vỏ hàu tái chế ở nhiều nơi khác thuộc Hồng Kông.
Hàu chỉ là một miếng ghép nhỏ trong bức tranh toàn cảnh Pak Nai. Để bảo vệ đa dạng sinh học khu vực này, TNC và các tổ chức khác đang cố gắng diệt trừ cỏ cordgrass nước mặn, một thực vật xâm hại môi trường sống của loài cỏ biển bản địa. Cỏ cordgrass được du nhập vào Trung Quốc thập niên 1970 để bảo vệ đất ven biển. Tuy nhiên, nó đã trở thành mối đe dọa sinh học do mọc tràn lan.
Vùng đất ngập nước của Pak Nai là môi trường sống quan trọng của hai loài sam Hồng Kông, một trong số đó là sam ba gai đuôi Tachypleus tridentatus nằm trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế.
Nằm trong dự án khuyến khích phát triển rạn hàu, TNC đang theo dõi quần thể sam biển và ghi nhận số lượng tăng chậm trong ba năm qua.
Đan Linh
(Theo China Dialogue Ocean)