Giữ gìn, phát huy làng nghề cá giống Hội Am

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Vốn là vùng trũng bên dòng sông Hóa, làng Hội Am (xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) có nghề truyền thống hơn 45 năm là nuôi, ương cá giống. Thế nhưng, hiện cá giống Hội Am đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra ổn định.

Làng nghề truyền thống 

Theo ông Đào Xuân Luân, Chủ tịch UBND xã Cao Minh, do đồng đất chiêm trũng nhiều, thay vì cấy lúa, trồng màu như những nơi khác trong huyện, người dân làng Hội Am có truyền thống nghề nuôi cá thịt từ xa xưa. Trước đây, người dân nuôi cá chép chủ yếu chỉ để phục vụ nhu cầu tại địa phương. Sau này, nhận thấy tiềm năng từ các thị trường lớn bên ngoài, nhiều hộ nông dân đã đầu tư trang trại, mở rộng quy mô nuôi cá để phục vụ cá Tết cho khắp các vùng miền. 

Hộ làm nghề ương cá giống ở làng Hội Am kiểm tra cá dưới ao nuôi. Ảnh: Quang Thái

Thời gian đầu, cá giống được đánh bắt trong tự nhiên. Sau đó, nguồn cá giống trong tự nhiên suy giảm, người làm nghề ở làng Hội Am học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi rồi chuyển sang ương cá giống. Người dân ở đây nuôi cá bố mẹ cho đẻ, ấp nở thành cá bột, ương khoảng 3 – 5 ngày rồi thả xuống ao ương thành cá giống trong khoảng một tháng. 

Năm 2001, làng nghề cá giống Hội Am được TP Hải Phòng công nhận là làng nghề truyền thống. Để hỗ trợ các hộ làm nghề ương nuôi cá giống, cá thịt, thời gian qua, UBND xã Cao Minh tích cực với phối hợp Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Bảo, Trung tâm Khuyến nông huyện, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chọn giống, chăm sóc cá trung bình 2 – 3 lớp/năm cho hàng nghìn lượt người. Bên cạnh đó, UBND xã còn tăng cường kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ, tạo điều kiện cho các hộ làm nghề tiếp cận các khoản vay với lãi xuất ưu đãi để mở rộng sản xuất. Đến nay, Hội Am vẫn là một trong những làng nghề ương cá giống lớn nhất miền Bắc. 

Gỡ “nút thắt” 

Tuy nhiên, rào cản để người dân, làng nghề cá giống Hội Am mạnh dạn mở rộng đầu tư là yếu tố đầu ra còn chưa ổn định. Đặc biệt là quãng thời gian từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 các hộ dân gặp khó khăn lớn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Trước tình hình đó, người dân đã tìm đủ mọi cách để giữ nghề, từ tìm kiếm thị trường mới đến việc chuyển hình thức nuôi cá giống thành cá thịt, thậm chí hạn chế lượng thức ăn để cá giống chậm lớn chờ dịch bệnh qua. Tuy nhiên, những phương pháp này chỉ để hạn chế lỗ chứ không có lãi. 

Bên cạnh đó, để tự chủ đầu ra và mở rộng thị trường, một số hộ mạnh dạn đầu tư mở cơ sở ương cá giống ở khu vực miền Nam. Thế nhưng, sau một thời gian ngắn cũng phải đóng cửa do gặp khó về thị trường. Hay cũng có một số hộ còn tự đưa cá giống đi tiêu thụ, nhưng số lượng hạn chế. Vì vậy, cho đến nay, việc tiêu thụ sản phẩm làng nghề Hội Am chủ yếu qua kênh của thương lái nhưng không theo hợp đồng, thỏa thuận nào cả. Do đó, giá bán lên xuống thất thường dẫn tới giá trị, hiệu quả kinh tế của nghề chưa cao như kỳ vọng. 

Để hỗ trợ bà con giữ gìn, phát huy nghề truyền thống cũng như có được thu nhập cao, UBND huyện Vĩnh Bảo giao Phòng NN&PTNT huyện chủ trì, phối hợp mở các lớp tập huấn, ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất, tăng cường kết nối sản xuất với tiêu thụ, bảo đảm các điều kiện về giống, thuốc phòng, chống bệnh cho thủy sản. Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các loại thủy sản chủ lực, nhất là sản phẩm cá giống, cá chép các loại phục vụ dịp Tết ông Công, ông Táo, để nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế của nghề và dễ tìm đầu ra cho sản phẩm. 

“Thời gian tới, chính quyền xã Cao Minh liên hệ với một số cơ sở nuôi cá thịt lớn trong và ngoài TP Hải Phòng cũng như đơn vị phân phối cá giống để kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thỏa thuận hợp tác dài lâu. Đồng thời, đề nghị huyện Vĩnh Bảo và các sở, ngành liên quan của TP Hải Phòng hỗ trợ, giúp đỡ”, ông Đào Xuân Luân chia sẻ. 

>> Hiện, làng Hội Am có khoảng 400 hộ làm nghề ương cá giống với diện tích gần 80 ha. Ngoài sản xuất cá giống đặc sản ở cả ba loại nước ngọt, lợ, mặn, như cá vược, song, trê lai, chim trắng, chép, trắm đen, rô phi đơn tính...; người dân còn nuôi cá chép vàng phục vụ ngày ông Công, ông Táo 

Trần Tiến

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!