(TSVN) – Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phát triển mô hình nuôi cá lồng tại vùng đầm phá, ven biển góp phần nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, mô hình này hiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro, nhất là trong mùa mưa lũ.
Thừa Thiên – Huế là địa phương có thế mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản từ nguồn nước ngọt trên các sông và nguồn nước lợ trên khu vực đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Tuy nhiên, phần lớn người dân nuôi cá lồng trên sông đều là tự phát, chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm, tập quán của mình. Vẫn có nhiều hộ dân không tuân thủ quy định, không theo khuyến cáo của cơ quan chức năng về khung lịch thời vụ.
Nuôi cá lồng giúp nhiều hộ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế thoát nghèo, vươn lên khá giả. Ảnh: ST
Tính đến ngày 12/10, toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế còn hơn 1.800 ha và hơn 5.000 lồng với khoảng 3.200 tấn thủy sản nuôi vẫn chưa thu hoạch kịp thời trước mưa lũ. Trong số đó, tập trung chủ yếu tại huyện Quảng Điền có đến 300 ha (gần 1.300 lồng), TP. Huế 670 ha (1.000 lồng), Phú Vang 420 ha, Phú Lộc 400 ha…
Tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, đến thời điểm này, các lồng cá của nhiều hộ dân vẫn chưa thu hoạch xong, trong khi mưa lũ đang đến gần. Nguyên nhân là do một bộ phận người dân thả nuôi giống kích cỡ nhỏ nên hiện chưa thể thu hoạch. Một số thì nuôi cá giống kích cỡ lớn đã thu hoạch, tiếp tục thả nuôi lại vài tháng nay nên cá còn rất nhỏ.
Ông Trần Kìm, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ cho biết, trên địa bàn xã Quảng Thọ có khoảng 830 lồng cá trắm cỏ nuôi trên sông Bồ. Theo phương thức nuôi gối nên người dân thu hoạch quanh năm. Đến nay vẫn còn nhiều lồng chưa thu hoạch xong vì cá còn quá nhỏ. Chính quyền địa phương tổ chức vận động người dân thu hoạch hoàn thành trước mùa lũ, bão nhưng sẽ rất khó vì cá chưa đạt kích cỡ thu hoạch đang còn nhiều.
Còn theo thông tin từ Bà Trần Thị Thanh Nhã, Phó trưởng Phòng NN&PTNT Quảng Điền, trên địa bàn huyện có khoảng 1.200 lồng cá nuôi trên sông và 120 lồng nuôi trên đầm phá Tam Giang. Theo lịch thời vụ của huyện thì cá lồng phải thu hoạch xong trước 31/8. Tuy nhiên, thực tế rất khó để bà con thực hiện được vì cá trắm là đối tượng nuôi dài ngày, có thể đến 2 – 3 năm kể từ khi ương giống.
Nhằm giảm thiệt hại do mưa bão, nhiều hộ nuôi cá lồng đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng cá như đầu tư thêm thùng phao nổi; gia cố lại lồng bè, mua lưới chắn xung quanh các lồng cá.
Hiện, ngành chức năng địa phương đang nghiên cứu, tìm giải pháp nuôi trồng thủy sản phát triển một cách bền vững. “Nuôi thủy sản vượt lũ, tránh thiệt hại là mục tiêu huyện đang hướng đến. Trong đó, tập trung vào biện pháp rút ngắn tối đa thời gian nuôi để thu hoạch tránh lũ là yêu cầu đặt ra đối với ngành nông nghiệp huyện”, bà Trần Thị Thanh Nhã chia sẻ.
Để rút ngắn thời gian nuôi, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương vận động người dân thực hiện phương thức nuôi chuyển tiếp. Tức là ương giống trong ao đến khi đạt kích cỡ 1 – 1,5 kg mới thả vào lồng nuôi. Nếu phải nuôi qua lũ cần gia cố lồng chắc chắn, nếu có thể thì di chuyển lồng đến những vùng có dòng nước chảy yếu hơn trong mùa mưa lũ.
Cùng đó, người dân nên tuân thủ quy định về khung lịch thời vụ của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương. Thời điểm thả cá giống nuôi hợp lý nhất là ngay sau khi kết thúc mùa mưa lũ. Thả cá giống kích cỡ lớn để hạn chế tối đa hao hụt và chóng lớn, chống chịu tốt các loại bệnh và thời tiết xấu đầu vụ thả nuôi.
>> Tiến sĩ Mạc Như Bình, Khoa Thủy sản, Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) cho rằng, ngành nông nghiệp và các địa phương cần nghiên cứu, tăng cường triển khai nhiều mô hình nuôi thủy sản vượt lũ, thích ứng biến đổi khí hậu. Không chỉ mô hình nuôi thủy sản vượt lũ mà cả ứng phó nắng nóng. Lồng bè phải được xây dựng kiên cố, vững chắc, công nghệ hiện đại, có khả năng chịu áp lực khi nước lũ chảy xiết.
Thanh Hiếu