Là một trong những tổ chức giúp người dân liên kết cùng phát triển kinh tế, thời gian qua, HTX chế biến thủy sản đã có những đóng góp không nhỏ vào sự thay đổi kinh tế của các hộ xã viên ở nhiều địa phương. Nhưng có một thực tế hiện nay là sau nhiều năm hoạt động, đa số các HTX đều rơi vào tình trạng “đuối sức”. Để có thể tồn tại và đứng vững, đó là một thách thức lớn đối với nhiều HTX.
Từ chuyện đầu ra… đầu vào
Nằm dọc ven biển các huyện Quảng Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy, nhiều HTX chế biến thủy sản ra đời hơn 5 năm nay. Nhưng một điều mà hầu như HTX nào sau khi thành lập đều gặp phải là nỗi lo về đầu ra. Thành lập từ năm 2007, mặc dù các sản phẩm của HTX Hòa Vang (Quảng Xuân,Quảng Trạch) được đánh giá cao về chất lượng nhưng không khỏi rơi vào cảnh khó tìm đầu ra.
Theo bà Lê Thị Thoan, Chủ nhiệm HTX cho biết: Các sản phẩm nước mắm của HTX rất ngon nhưng không thể cạnh tranh nổi với các sản phẩm nước mắm trên thị trường. Hầu hết người tiêu dùng đã quen sử dụng các loại nước mắm như Chinsu, Nam Ngư…nên nước mắm Hòa Vang khó có chỗ đứng.
Việc bán các sản phẩm của HTX trực tiếp đến tay người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh cũng rất khó. Cũng thuộc huyện Quảng Trạch, HTX Bắc Sông Gianh (xã Quảng Phúc) với 15 thành viên và sản phẩm chính là nước mắm. Trước đây, khi đầu ra thuận lợi thì mỗi năm HTX này sản xuất khoảng 100 tấn cá làm mắm. Nhưng hiện nay, đầu ra khó tìm nên sản xuất chỉ bằng gần một nửa trước đây. Quy mô HTX vì thế cũng không thể mở rộng thêm.
Đa số các HTX chế biến thủy sản đều tận dụng chai lọ thừa để sử dụng.
Trong khi vấn đề đầu ra cho các sản phẩm đang là trở ngại đối với nhiều HTX thì vấn đề đầu vào hiện nay cũng khiến nhiều HTX lâm vào cảnh lao đao. Đối với HTX Trung Ngư (Đức Trạch, Bố Trạch) khó khăn khi không có mặt bằng hoạt động không phải là rào cản bằng việc đầu ra và đầu vào hiện nay. Thành lập năm 2008, hoạt động vốn đã không hiệu quả cộng với việc đầu ra khó khiến HTX Trung Ngư rơi vào cảnh cầm chừng. Chị Hồ Thị Mẹo, Chủ nhiệm HTX, vừa lau chùi những chiếc chai nhựa tận dụng từ dầu ăn vừa cho biết: “Nước mắm sau khi đóng chai được các xã viên đưa đến các chợ để bán.
Bán chạy thì đỡ, nếu không phải chở lên các xã của huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa để bán nhưng số lượng bán được cũng không nhiều”. Chị cũng cho biết, đầu ra vất vả đã đành nhưng đầu vào cũng đang khó. Vốn là xã miền biển nhưng thời gian gần đây, thương lái các nơi đến thu mua thủy sản trực tiếp từ ngư dân nên nguyên liệu chế biến khan hiếm, giá vì vậy cũng tăng cao. Trước đây, 1kg cá nục có giá từ 3.000-4.000/đồng nhưng năm nay lên đến 9.000-10.000 đồng 1kg. Nếu tiếp tục thu mua để sản xuất mà tình trạng đầu ra như vậy thì HTX sẽ khó mà duy trì.
Trong lúc Trung Ngư phải hoạt động cầm chừng thì HTX Liêm Tiến (Ngư Thủy Trung, Lệ Thủy) gần như phải ngừng hoạt động. Nhìn những chiếc bể làm mắm lèo tèo không được quan tâm, đầu tư khiến chị Hương không khỏi ái ngại chia sẻ: “Tưởng sau khi thành lập sẽ được Liên minh HTX giúp đỡ đầu ra, ai ngờ làm mấy bể nước mắm nhưng không bán được. Năm ni giá cá tăng cao, vốn lại không có để mà mua. Chúng tôi đang muốn ngừng hoạt động mà chưa biết phải báo cho ai?”.
Đến chuyện thương hiệu cho sản phẩm
“Người dân ăn thương hiệu”, đó là lời khẳng định của một chủ nhiệm HTX khi được hỏi tại sao chất lượng nước mắm mình sản xuất ngon nhưng không thể cạnh tranh với các loại nước mắm trên thị trường. Biết là vậy, nhưng hầu như các HTX chế biến thủy sản hiện nay đều không mấy quan tâm và đầu tư đúng mức tới vấn đề này.
HTX Hòa Vang là một trong số những HTX ít ỏi quan tâm tới thương hiệu. Tuy nhiên, trong khi việc đầu tư trang thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm được chú trọng thì việc xây dựng thương hiệu dường như chưa được đầu tư tương xứng. Lôgô thương hiệu nước mắm Hòa Vang được nhờ một người cùng làng thiết kế. Nhãn mác không bắt mắt, đơn điệu và mờ nhạt khiến nước mắm Hòa Vang từng được đánh giá cao tại các Hội chợ trong nước nhưng không tạo ấn tượng đối với người tiêu dùng là điều dễ hiểu.
Đối với HTX Bắc Sông Gianh việc xây dựng thương hiệu được HTX quan tâm ngay từ đầu, nhưng sau một thời gian hoạt động thương hiệu không còn cần thiết và dần mất đi. Không thể bán trực tiếp cho người tiêu dùng, HTX bán cho những mối với số lượng lớn. Sau khi thu mua, họ mang về pha chế, đóng chai rồi bán trên thị trường. Vì thế, nó không còn là sản phẩm của HTX này và chất lượng cũng đã thay đổi.
Cơ sở chế biến nước mắm của HTX Thành Đạt (Ngư Thủy Trung, Lệ Thủy) quá tạm bợ.
Những HTX còn lại, thương hiệu dường như là điều còn quá xa. Bởi đa số họ không có ý định làm thương hiệu cho sản phẩm. Với họ việc bán được sản phẩm mới là điều họ quan tâm. Thế nhưng, một sản phẩm được bày bán trong những chiếc chai lọ tận dụng, không nhãn mác, không nơi xuất xứ chỉ biết thông tin từ lời chào bán thì sản phẩm đó khó mà tạo lòng tin cho người tiêu dùng và khó có chỗ đứng trên thị trường khắt khe như hiện nay.
Cần có giải pháp gỡ khó
Toàn tỉnh ta hiện có 8 HTX chế biến thủy sản. Từ thực tế sản xuất hiện nay của những HTX này cho thấy, đa số đều đang gặp khó khăn bởi sản phẩm chưa tạo dựng được thương hiệu trên thị trường, chưa có đầu ra ổn định.
Nhìn chung các HTX này đều có cơ sở vật chất cũ kỹ, cách thức sản xuất còn mang tính truyền thống, chưa có tính chiến lược. Bên cạnh đó, rào cản lớn nhất của các HTX là khó tiếp cận nguồn vốn để có thể duy trì và phát triển ổn định. Trình độ, năng lực quản lý của những người đứng đầu các HTX còn thấp cũng là lý do khiến những HTX này hoạt động chưa tốt.
Để có thể khắc phục tình trạng của các HTX chế biến thuỷ sản hiện nay, ông Lê Trọng Duận, Chủ tịch Liên minh HTX cho biết: Cần đa dạng các loại sản phẩm của các HTX, không chỉ kinh doanh nước mắm mà mở rộng thêm các mặt hàng khác để tăng thêm nguồn thu nhập. Hiện nay, các HTX hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, vì thế để đầu tư phát triển là rất khó.
Chính vì vậy nên sát nhập lại sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Việc xác định thương hiệu và quảng bá thương hiệu cần được quan tâm, chú trọng để tạo đầu ra ổn định. Sắp tới Sở Công thương sẽ phối hợp với các HTX để làm tốt việc này. Ông cũng cho biết thêm, quỹ phát triển HTX tỉnh chưa có nguồn vốn cho vay nên các HTX nên huy động nguồn vốn từ nội lực và thông qua Ngân hàng chính sách xã hội…
Tuy nhiên, để những giải pháp này sớm đi vào thực tiễn thì cần một thời gian dài, trong khi nhiều HTX chế biến thủy sản thì đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Mong mỏi lớn nhất của những HTX này là các ngành chức năng cần sớm quan tâm, hỗ trợ để họ hoạt động có hiệu quả.