T2, 23/10/2023 08:26

Đồng Tháp: Long đong cất vó mưu sinh mùa nước nổi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cũng như các ngư cụ khai thác thủy sản, dụng cụ cất vó cũng rất phổ biến đã và đang đông đảo người dân vùng Đồng Tháp Mười và khu Tứ giác Long Xuyên thường sử dụng để đánh bắt các loại thủy sản.

Vó có 3 loại: vó cần, vó tay và vó gạt, với nhiều ưu điểm: dễ làm, ít vốn, có thể tận dụng “cây nhà, lá vườn” và sử dụng được nhiều năm… 

Vó cần lớn có hình chiếc nón lá lật ngửa, được đặt cố định. 

Vó tay, được thiết kế gọn nhẹ, linh hoạt dễ xoay trở trong điều kiện chật hẹ, miệng vó rộng 1 – 1,5 m, có hình vuông hoặc hình miệng bát. Sườn vó làm bằng tre, dính với đầu tre là lưới nylon dày, có tùng. Giữa lưới có sợi dây dài, chuyền qua sườn để kéo lưới lên. Nối với cột cái là một cây dài để làm đòn bẩy. Khi cất vó, phải đứng ở cuối cây dài thì vó sẽ nhô lên khỏi mặt nước. Xong gài đòn vào móc giữa, vó sẽ đứng yên. Sau đó, kéo sợi dây giữa lưới được rút lên; cá, tép… các loại dồn về tùng và người cất vó chỉ cần dùng vợt thu “chiến lợi phẩm”.

Vó cần bắt cá

Vào mùa nước nổi (tháng 7 đến tháng 11 âm lịch), tại các tuyến kênh, rạch ở tỉnh Đồng Tháp, An Giang có rất nhiều dàn vó cất đặt giữa lòng kênh để hứng cá, tép. Người dân cho biết: nếu đặt vó trên ruộng thì phải dùng mồi cám trộn với xác mắm rải trên mặt nước để nhử, cá bắt mùi bơi đến ăn. Khi thấy cá “ăn móng” nhiều thì cất lên. Mỗi lần cất không dưới 2 kg cá, tép các loại… Đã có nhiều hộ nông dân ở các xã thuộc huyện Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp ổn định cuộc sống trong mùa nước nổi từ nghề cất vó… 

Cất vó mưu sinh rất vất vả

Anh Sáu Thành – chủ một dàn vó trên dòng kênh Ba Răng, xã An Phong, huyện Thanh Bình cho biết: Gặp lúc cao điểm cá ra rộ, mỗi lần cất lên được 3 – 7 ký cá các loại – nhiều nhất là cá linh, cá thiểu, cá rằm, cá lòng tong. Mỗi mùa nước nổi, gia đình anh Sáu Thành kiếm thu nhập vài ba triệu đồng như chơi. Tuy vậy, chi phí ban đầu cũng tiền triệu, chủ yếu dùng để mua lưới, cây, dây.

Muốn cất vó phải sắm ít nhất 20 kg lưới và gần 10 cây tre, gáo, tràm, bạch đàn… Mỗi dàn vó phải có bộ khung lưới gồm 4 cây tre dài kết chéo hình chữ thập gắn với nhau. Riêng vó gạt không theo kích cỡ nào cụ thể. Tùy bề ngang lớn, nhỏ của kênh, mương, đường nước… mà người dân “thiết kế” kích thước phù hợp. Vó gạt thường đóng theo hình chữ nhật đặt dọc kênh, mương, đường nước… Khung vó gạt được làm bằng cây tầm vông, tràm hoặc tre. Xung quanh bao trùm hệ thống lưới để chìm dưới nước. Nơi đầu con nước ra lưới để sâu; đầu còn lại đặt một túi cá, có người bít đầu, có người thả nước tự do. Cá cứ theo con nước ra kênh, mương, sông ngòi mà tự động chạy qua vó gạt. Vó gạt lớn thường sử dụng lưới thưa bắt cá lớn ở đồng sâu và lọc các loại cá nhỏ thải theo con nước; còn vó gạt nhỏ thường sử dụng lưới cước bắt cá nhỏ ở đồng cạn nhưng dễ bị cản rong khi đặt vó. 

Số cá ít ỏi bắt được

Trong chiếc chòi lá cất tạm trên bờ kênh xáng, anh Chín Tình ở xã Phú Thành B, huyện Tam Nông cho biết: “Dân nghèo chịu được cảnh cực nhọc mới theo nghề vó gạt. Nhưng đâu phải người nghèo nào cũng theo được nghề này. Đất nhà có con mương, đường nước mới làm được; nếu không có thì phải đi mướn đường nước của người khác để hành nghề. Vả lại trước đây, nguồn lợi thủy sản nhiều vô số kể, một đêm làm vó gạt cá chạy thấy ham. Cứ mười lăm, hai mươi phút mà không gạt thì cá quẫy vó ùng ục. Nhưng vài năm gần đây, do có quá nhiều loại ngư cụ đánh bắt thủy sản bằng xung điện mang tính hủy diệt, rồi làm đê bao sản xuất lúa Thu Đông… nên nguồn lợi thiên nhiên ban tặng này bị cạn kiệt nhanh chóng, khiến người làm nghề vó gạt trở nên khó khăn vô cùng.” 

Trần Trọng Trung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!