(TSVN) – Hỏi: Hệ thống ao nuôi tôm – lúa hữu cơ cần đảm bảo những yêu cầu gì?
(Nguyễn Thúy Hằng, xã Đông Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang)
Trả lời:
Địa điểm làm ao phải nằm trong khu vực được quy hoạch nuôi loại tôm cụ thể (nước mặn, nước lợ, nước ngọt), phù hợp loài tôm được nuôi. Không được nằm trong khu vực mà nguồn nước bị ô nhiễm bởi các sản phẩm hoặc các chất không được phép dùng trong nuôi tôm hữu cơ hoặc các chất gây ô nhiễm làm tổn hại đến bản chất hữu cơ của tôm. Nuôi tôm theo hình thức nuôi kín phải có hàng rào ngăn cách để nước không thể lưu thông giữa ao nuôi hữu cơ và ao nuôi không hữu cơ. Trong mô hình nuôi tôm – lúa, người nuôi nên dành diện tích nhỏ để làm ao lắng và ao ương.
– Ao lắng: Nhằm chủ động nước, lắng lọc phù sa, ngăn cá tạp… thì khuyến cáo nên dành diện tích nhỏ hoặc tận dụng ao có sẵn làm ao lắng.
– Ao ương: Để giúp tôm thích nghi tốt với môi trường, nâng cao tỷ lệ sống trước khi thả ra ao nuôi nên dành diện tích nhỏ (100 – 500 m2) để ương tôm. Có thể sử dụng lưới mành ngăn một phần ngay trong ao nuôi để làm ao ương. Hoặc làm bể ương: bằng bạt nhựa, hình tròn, khung sắt hoặc composite.
– Ao nuôi: Cần được gia cố kỹ đảm bảo vững chắc, không rò rỉ để giữ được nước và tôm nuôi và tránh sạt lở khi mưa bão. Bờ bao phải cao hơn mực nước triều cao nhất trong năm khoảng 0,2 – 0,3 m. Mặt bờ rộng ít nhất từ 1,5 – 2 m, đáy bờ từ 3 – 5 m và bờ phải cao hơn mặt ruộng 0,8 – 1 m để có thể giữ được mức nước trên mặt trảng ít nhất là từ 0,5 – 0,6 m. Thông thường, diện tích mương bao chiếm tỷ lệ khoảng 25 – 30% diện tích ao nuôi. Mương bao quanh ao nuôi có chiều rộng từ 4 – 6 m, sâu khoảng 1,2 – 1,5 m. Đảm bảo mực nước trên mặt ruộng từ 0,5 – 0,6 m. Ngoài mương bao xung quanh ao nuôi, có thể thiết kế thêm các mương phụ theo hình bàn cờ (hoặc xương cá) có chiều rộng từ 1 – 2 m để tăng diện tích trú ẩn cho tôm nuôi khi thời tiết thay đổi và nắng nóng. Nên thiết kế đáy mương có độ nghiêng để rút cạn khô ao khi cải tạo.
Hỏi: Các bước cải tạo ao nuôi tôm – lúa hữu cơ?
(Phạm Văn Phú, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau)
Trả lời:
Sau thu hoạch lúa, tiến hành cắt gốc rạ chỉ chừa lại khoảng 20 cm, cho nước vào 4 – 5 ngày dùng máy xới mặt ruộng sau đó rửa lại mặt ruộng từ 1 – 2 lần. Trường hợp không thể xới được mặt ruộng thì nên cắt bớt gốc rạ trên ruộng, gom lại đem lên bờ. Vệ sinh toàn bộ khu vực ao nuôi, dọn sạch rong, cỏ và gia cố bờ bao, cống. Tùy theo điều kiện từng ao nuôi, có thể tiến hành sên vét từng phần hoặc toàn bộ. Sên vét hết lớp bùn đen ở đáy mương bao vào khu chứa bùn.
Tháo rửa ao nuôi 2 – 3 lần. Phơi ao từ 5 – 7 ngày cho đến khi đất có vết nứt chân chim. Đối với những ao bị nhiễm phèn (pH < 5), không nên phơi đáy đến nứt nẻ để tránh xì phèn, sau khi rải vôi 1 ngày thì tiến hành cấp nước.
Bón vôi: Trong giai đoạn cải tạo ao, bón phân là biện pháp hữu hiệu để khử phèn, diệt mầm bệnh và góp phần ổn định hệ đệm nước ao. Vôi thường dùng là vôi sống (CaO), vôi tôi (Ca(OH)2) hay vôi nông nghiệp (CaCO3). Lưu ý bón vôi theo pH đất.
Bón phân: Bón phân để cải thiện môi trường, tăng dinh dưỡng cho ao nuôi, tạo nguồn thức ăn tự nhiên giúp tôm phát triển nhanh. Phân bón cho ruộng nuôi là các loại phân có nguồn gốc hữu cơ như phân trùn quế, phân bã mía, phân rác… Liều lượng phân bón sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Lấy nước: Có thể lấy nước vào ao qua lưới lọc hoặc trực tiếp vào ao. Lưới lọc dài từ 5 – 6 m, hình chóp bằng vải hoặc lưới mịn.
Diệt cá tạp: Dùng thuốc cá bột Saponin hoặc sử dụng dây thuốc cá để diệt cá tạp trong ao. Mực nước cần thiết để diệt cá tạp từ 10 – 15 cm. Saponin cần được ngâm trước 24h để tăng hiệu quả. Thời điểm sử dụng tốt nhất từ 4h30 – 6h30 sáng. Liều lượng tùy thuộc vào độ mặn của nước: Nước có độ mặn < 20‰: Sử dụng từ 15 – 20 kg/1.000 m3 nước ao; Nước có độ mặn ≥ 20‰: Sử dụng từ 10 – 15 kg/1.000 m3 nước ao.
Màu nước: Sau 3 – 5 ngày lấy nước vào ao, nếu nước ao có màu xanh đọt chuối hoặc vàng nâu và độ trong 25 – 35 cm là đạt yêu cầu. Nếu nước trong, màu nhạt thì có thể sử dụng phân hữu cơ 2 – 3 kg/1.000 m3 trong 2 – 3 ngày để gây màu nước. Khi màu nước đạt yêu cầu, người nuôi cần kiểm tra một số thông số môi trường nước trước khi tiến hành thả giống.
Ban KHKT