VASEP hợp tác quốc tế để giải quyết vụ kiện tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) sẽ phối hợp với các quốc gia khác trong khu vực để giải quyết các vấn đề ngành thủy sản đang gặp phải như vụ kiện chống trợ cấp, chống bán phá giá với tôm xuất khẩu vào Mỹ.

 

Thuế nhập khẩu cao vào thị trường Mỹ sẽ tác động mạnh đến người nuôi tôm Việt Nam. Ảnh: BM.

Tổng thư ký VASEP, ông Trương Đình Hòe nói tại cuộc họp báo ngày 17/6 rằng vụ kiện tôm sẽ được đưa vào một trong nội dung chính thảo luận ở phiên họp thường niên Liên đoàn Thủy sản Đông Nam Á (ASF), dự kiến tổ chức ngày 26/6 tại TPHCM. Mục đích của cuộc họp là để tìm tiếng nói chung và sự hợp tác giữa các nước sản xuất, xuất khẩu thủy sản, đặc biệt trong vấn đề chống bán phá giá và chống trợ cấp mà nhiều nước đang gặp phải.

Trong tuần qua đoàn công tác của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tiến hành thẩm tra tại hai doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ trong năm 2011 là Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú và Công ty cổ phần Nha Trang Seafoods. Đây là hai bị đơn bắt buộc phải hợp tác, cung cấp thông tin phục vụ cho cơ quan điều tra của Mỹ là DOC và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC).

Ngày 30/5, DOC đã công bố phán quyết sơ bộ mức thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ 7 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo phán quyết này, sản phẩm của Công ty Minh Quí, một công ty con của Tập đoàn Minh Phú, bị áp mức thuế 5,08%, Công ty Nha Trang Seafoods bị áp 7,05%.

Theo Nha Trang Seafoods, đoàn thẩm tra của DOC đã ra đến tận vùng nuôi để tìm hiểu và thu thập thông tin. Theo quy trình, sau khi DOC có kết luận sơ bộ, họ có bước thẩm tra tại doanh nghiệp là bị đơn bắt buộc. Hai cơ quan ITC và DOC hoạt động độc lập trong quá trình điều tra.

Ngày 14/6, ITC đã quyết định ngành tôm của nước này bị thiệt hại về vật chất do tôm nước ấm nhập khẩu từ 7 nước Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam do cho rằng các nước nói trên nhận trợ cấp của chính phủ. Quyết định nói trên của ITC hậu thuẫn cho DOC tiếp tục tiến hành điều tra.

Ông Hòe cho hay, cũng như hiệp hội, nhà xuất khẩu các nước là bị đơn trong vụ kiện đang lên tiếng phản ứng mạnh mẽ cho rằng mình không nhận trợ cấp của chính phủ cũng như không gây thiệt hại cho ngành tôm nội địa của Mỹ. Ông cho hay sự đồng thuận của các nước có thể mang lại kết quả khả quan hơn cho các bị đơn của vụ kiện, trong đó có Việt Nam ở lần công bố kết quả cuối cùng dự kiến vào 13-8.

Trong đợt công bố phán quyết sơ bộ, hai nước trong số 7 bị đơn là Ecuador và Indonesia đã được hưởng thuế suất 0%, Thái Lan nhận mức thuế 2,5%, trong khi đó thuế suất trung bình của doanh nghiệp tôm Việt Nam lên đến 6,07%.

Theo thông tin từ ITC và DOC, ngành tôm của Mỹ có khoảng 58 công ty với nhà máy tập trung ở 9 bang khắp nước Mỹ. Ngành này trong năm 2011 đã sử dụng 1.922 công nhân. Ước tính trong năm 2011, cả nước Mỹ tiêu thụ gần 600.000 tấn sản phẩm tôm nhưng chủ yếu là tôm nhập khẩu từ các nước, nhiều nhất là 7 nước bị đơn trong vụ kiện. Xét về giá trị, cứ một đô la sản phẩm tôm người dân Mỹ tiêu thụ có đến 87,6 cents là nhập khẩu.

Thái Hằng

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!