(TSVN) – Sáng 24/10, tổ thảo luận số 4 của Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Bà Rịa – Vũng Tàu) trao đổi về tình hình kinh tế – xã hội. Tại đây, các đại biểu đã đề nghị cần quan tâm, chú trọng hơn đến các giải pháp để phát triển kinh tế biển, phát triển nghề cá bền vững, góp phần vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của năm 2024 và của cả nhiệm kỳ.
Đoàn thanh tra của EC vừa kết thúc chuyến làm việc tại Việt Nam. Liệu Việt Nam có thể đạt mục tiêu gỡ “thẻ vàng” IUU trong lần đánh giá thứ 4 của EC hay không? Đây là một trong những vấn đề nóng được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ 4. Các đại biểu cho biết, qua khảo sát tại các địa phương, việc chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nhiều nơi quản lý tốt tàu cá ra vào bến và nâng cao được tỷ lệ truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác, nhưng cũng còn những địa phương chưa quyết liệt trong việc xử lý các khuyến nghị của đoàn thanh tra EC.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng phát biểu tại cuộc họp; Ảnh: QH
Đã 6 năm kể từ khi nhận “thẻ vàng” IUU của Đoàn thanh tra EC, Việt Nam vẫn đang nỗ lực không ngừng để chống lại hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, hướng tới gỡ “thẻ vàng” cho toàn ngành. Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn nêu rõ, nếu lần này được gỡ “thẻ vàng” thì ngành thủy sản Việt Nam có thể vẫn phải đối mặt với nguy cơ tương tự ở các thị trường khác ngoài EU. Vì vậy, cần nỗ lực phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững bằng nhiều giải pháp quyết liệt hơn.
Quan tâm đến các mục tiêu và giải pháp cho năm 2024, đại biểu Nguyễn Chu Hồi, Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, cần chú trọng đến kinh tế biển, phát triển nghề cá. Hiện nước ta còn gặp nhiều vướng mắc từ vấn đề “thẻ vàng” IUU kéo dài quá lâu; thực tế này cho thấy khả năng phản ứng khắc phục chậm. Do đó, cần nhìn nhận nghiêm túc để không lặp lại tình trạng này.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi, Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng chia sẻ về vai trò của vấn đề ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường; Ảnh: QH
Nhấn mạnh mục tiêu xây dựng nghề cá bền vững và có trách nhiệm, đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho biết, đây là nội dung không chỉ về phát triển kinh tế mà còn gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Nghị quyết số 36-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra chủ trương rất đúng đắn, vấn đề đặt ra là triển khai thực hiện như thế nào. Theo đại biểu Nguyễn Chu Hồi, có 3 vấn đề cốt lõi của ngành là ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường, nhưng hiện nay các nội dung này vẫn nằm chung trong “lồng” chính sách tam nông, trong khi phương thức sản xuất, công cụ sản xuất, tư liệu sản xuất là khác nhau, dẫn đến khó khăn, lúng túng trong thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng, việc thể hiện vào trong các chính sách không thấy được nét đặc thù của lĩnh vực này, các quy định về hỗ trợ cũng còn mờ nhạt. Do đó, đề nghị tách hệ thống chính sách cho ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường để có giải pháp mang tính hệ thống và đột phá cho lĩnh vực này. Kỳ vọng có được nghị quyết ở tầm Trung ương về vấn đề ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường ở Việt Nam để giải quyết một cách lâu dài, căn cơ từ gốc rễ. Đại biểu cũng cho rằng, cần suy ngẫm mối quan hệ của vấn đề ngư dân, ngư kiểm một cách chặt chẽ trong cách tiếp cận làm chính sách và hành động để nghề cá có những bước thay đổi mang tính cách mạng; cần có một sự can thiệp ở cấp cao hơn để nhìn nhận một cách hệ thống ba vấn đề ngư dân, ngư nghiệp, dư trường trong bối cảnh mới về hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần vào thực hiện kế hoạch của năm 2024; đồng thời cũng để giải quyết những vấn đề về dài hạn cho kinh tế biển nói chung, trong đó có kinh tế thủy sản nói riêng.
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đề nghị cần có giải pháp chuyển đổi mô hình ngành thủy sản, có như vậy mới bảo đảm phát triển bền vững, bảo đảm đời sống cho ngư dân và thực hiện các mục tiêu về an ninh quốc gia, chủ quyền trên biển.
Phát biểu tại tổ thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng cho biết, liên quan đến gỡ “thẻ vàng” IUU của EC, vừa qua Đoàn công tác của EC ghi nhận Việt Nam đã có những tích cực và quyết liệt với chủ trương mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện vẫn có những lúc, những nơi chưa đủ tầm. Phó Thủ tướng cho rằng, đây là vấn đề khó, đòi hỏi nỗ lực, cố gắng rất lớn. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có kế hoạch chi tiết từng bước, để có giải pháp đồng bộ giải quyết những khó khăn của ngành, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và có trách nhiệm của ngành thủy sản. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nước ta sở hữu đường bờ biển hơn 3.000 km, ngư trường rộng lớn là niềm ước ao của rất nhiều quốc gia, nhưng ngược lại nếu chúng ta không quản lý tốt thì nó thực sự trở thành gánh nặng.
Vân Anh