(TSVN) – Hơn 1 năm trước, một phần nhỏ diện tích nuôi lúa – tôm của huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau được công nhận đạt chuẩn ASC Group. Chứng nhận quốc tế đã mở đường cho thương hiệu tôm Cà Mau đặt chân đến nhiều thị trường lớn trên thế giới. Thành công này chính là tiền đề để tỉnh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau có khoảng 600 ha mô hình sản xuất lúa – tôm được cấp chứng nhận đạt chuẩn ASC tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình. Khi tham gia, người dân được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ một phần chi phí trong sản xuất, đặc biệt, được bao tiêu đầu ra sản phẩm. Ưu điểm của mô hình là chi phí đầu tư thấp, tôm lớn nhanh, đặc biệt trong suốt quá trình nuôi hoàn toàn không sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh. Được biết, Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú đã triển khai thí điểm dự án tại vùng lúa – tôm xã Trí Lực trên diện tích hơn 46 ha cùng sự tham gia của 17 nông hộ và hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác của WWF Việt Nam và Deltares – Hà Lan. Kết quả năng suất tôm sú đạt 408kg/ha; năng suất lúa đạt 4,7 tấn/ha; năng suất tôm càng xanh đạt 350kg/ha. Như vậy lợi nhuận của nông dân tham gia dự án được cải thiện gấp 2,8 lần so với canh tác thông thường.
Nông dân Thới Bình thu hoạch tôm tại ruộng lúa – tôm đạt chuẩn ASC. Ảnh: PV
Dự kiến giai đoạn 2023 – 2032, vùng nuôi lúa – tôm của dự án sẽ được mở rộng lên 30.000 ha tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Riêng vùng nuôi tôm của xã Trí Lực, giai đoạn 2 (từ 2023 – 2024) sẽ mở rộng quy mô lên 150 ha. Mục tiêu dài hơi của Dự án là thúc đẩy phát triển bền vững lúa – tôm; nâng cao năng lực, nhận thức về sản xuất có trách nhiệm và an toàn môi trường.
Người dân kiểm tra chất lượng môi trường tại ruộng nuôi. Ảnh: PV
Tại buổi làm việc với đại diện Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF Việt Nam) và Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú diễn ra cách đây không lâu, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau khẳng định: chính quyền nông hộ nuôi tôm trong tỉnh ủng hộ và sẽ tích cực tham gia vào chuỗi dự án theo tiêu chuẩn chứng nhận ASC trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy nghề nuôi tôm bền vững. Tuy nhiên, ngoài vùng nuôi ở huyện Thới Bình, ông Sử cũng mong muốn dự án sẽ triển khai thêm ở những vùng lúa – tôm khác trong tỉnh đủ điều kiện.
>> Cà Mau đặt mục tiêu phát triển ngành tôm trở thành trung tâm lớn nhất vùng Ðồng bằng sông Cửu Long và cả nước, với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Theo kế hoạch đến năm 2030, Cà Mau đặt mục tiêu sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 570.000 tấn/năm. Chứng nhận ASC Group là bước khởi đầu, tạo tiền đề cho tỉnh trong việc đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có hơn 40.000 ha lúa - tôm đạt một trong các chứng nhận quốc tế về ASC Group và một số chứng nhận về hữu cơ khác.
Nam Linh