(TSVN) – Tháng 9/2023, xuất khẩu cá tra sang một số thị trường chính đã có dấu hiệu phục hồi sau thời gian dài sụt giảm. Đây là một trong những tín hiệu tích cực tạo đà cho xuất khẩu cá tra Việt Nam trong quý cuối năm nay.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 9/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam ghi nhận tăng trưởng dương lần đầu kể từ đầu năm nay, với giá trị gần 167 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu cá tra Việt Nam 9 tháng đầu năm đạt gần 1,4 tỷ USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường tiêu thụ, tháng 9/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang một số thị trường chính đã ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số như Trung Quốc & Hongkong, EU, Brazil, Mexico,… Ngoài ra, các thị trường Mỹ, CPTPP, Hàn Quốc, Singapore… vẫn ghi nhận sụt giảm từ 3 – 54% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc – Hồng Kông tháng 9/2023 nhập khẩu 56 triệu USD cá tra Việt Nam, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 9/2023, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc – Hồng Kông đạt 434 triệu USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc – Hồng Kông liên tục dẫn đầu top các thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam từ năm 2019 đến nay và là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam.
Xuất khẩu cá tra Việt Nam có nhiều khởi sắc vào cuối năm. Ảnh: TTXVN
Đáng chú ý, thị trường Trung Quốc ngày càng giảm mua hàng từ Việt Nam nhưng tăng nhập thủy sản từ Nauy, Hàn Quốc, Australia và Chile. Không chỉ gặp khó trong xuất khẩu, hoạt động nuôi tại địa phương cũng đang suy giảm do giá vật tư đầu vào tăng cao, chi phí nuôi tăng đã khiến người nuôi chịu thua lỗ. Hiện giá thành sản xuất cá tra khoảng 26.500 – 27.000 đồng/kg, trong khi giá bán thấp hơn 300 – 500 đồng nên với mỗi hecta diện tích, nông dân nuôi cá tra đang phải chịu mức lỗ trên dưới 200 triệu đồng mỗi vụ.
Đây là thị trường đứng thứ 2 về nhập khẩu cá tra Việt Nam, chỉ tính riêng tháng 9/2023, quốc gia này đã mua gần 23 triệu USD cá tra Việt Nam, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng tồn kho cao ở Mỹ là khó khăn lớn nhất khiến giá trị xuất khẩu sang thị trường này liên tục sụt giảm từ đầu năm nay. Lũy kế xuất khẩu cá tra sang cường quốc này trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 207 triệu USD, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn hy vọng khẩu thủy sản sang Mỹ đang phục hồi khi nhu cầu tiêu dùng của thị trường này tăng lên vào dịp cuối năm. Bên cạnh đó, việc đoàn thanh tra của Cơ quan thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) đã đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ với kết quả tích cực cũng là cơ sở để xuất khẩu cá tra sang thị trường này có thể tăng lên trong những tháng tới.
Là một trong số những thị trường ghi nhận tăng trưởng dương trong tháng 9/2023, EU cho thấy nhu cầu tại các quốc gia trong khối không hề giảm. Tháng 9 năm nay, EU tiêu thụ hơn 14 triệu USD cá tra Việt Nam, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 9% so với tháng trước đó. 9 tháng đầu năm 2023, EU nhập khẩu 129 triệu USD cá tra, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Với giá trị XK tăng trưởng dương trở lại vào tháng 9/2023, EU đang dần trở lại cuộc đua về nhập khẩu cá tra từ Việt Nam.
Thị trường CPTPP đã thu hẹp mức giảm xuống 4% trong tháng 9/2023 khi kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 21 triệu USD. Đây cũng là mức giảm thấp nhất của khối thị trường này kể từ đầu năm nay. Đáng chú ý, một số thị trường trong khối CPTPP ghi nhận tăng trưởng dương từ 10% – 70% như Nhật Bản, Mexico, New Zealand,…
Đặc biệt là thị trường Nhật Bản, tháng 9/2023, Nhật Bản đứng thứ 4 trong khối thị trường CPTPP về nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam sau Mexico, Canada và Singapore. Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Nhật Bản tháng 9/2023 đạt 3 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 13% vào tổng nhập khẩu cá tra của CPTPP. Lũy kế xuấtk hẩu cá tra 9 tháng đầu năm nay sang thị trường này ghi nhận 24 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 9 tháng đầu năm nay, kể từ tháng 3, xuất khẩu cá tra sang Nhật Bản liên tục sụt giảm, đến tháng 9, xuất khẩu cá tra sang Nhật mới tăng trưởng dương trở lại.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có khả năng cung ứng tốt cho thị trường Nhật Bản khi được hưởng nhiều ưu đãi từ cắt giảm thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) cùng với việc số lượng người dân đến từ các nước châu Á sinh sống và làm việc tại Nhật Bản đang dần tăng lên tới 10 triệu người.
Sự kiện Nhật Bản xả nước thải từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển, có thể khiến người dân nước này giảm tiêu thụ thủy sản trong nước và chú ý nhiều hơn tới các sản phẩm thủy sản nhập khẩu. Việc đất nước mặt trời mọc này tăng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam trong tháng 9/2023 là tín hiệu tốt trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường.
Anh Vũ