Phức hợp phụ gia thức ăn đa năng cải thiện tăng trưởng và sức khỏe tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bổ sung phức hợp phụ gia thức ăn đa năng đã cải thiện tăng trưởng, hấp thu chất dinh dưỡng, đáp ứng miễn dịch và tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng (TTCT), đồng thời giảm tổn hại do Vibrio gây ra trong các mô hình nuôi tôm.

Đến nay, kháng sinh vẫn được sử dụng để phòng ngừa và điều trị các dịch bệnh do Vibrio gây ra. Vi khuẩn Vibrio kháng kháng sinh đã xuất hiện ở nhiều trại nuôi tôm, làm gia tăng lo ngại về môi trường cũng như an toàn sức khỏe của người tiêu dùng thủy sản. Hầu hết các nước đều cấm sử dụng kháng sinh để phòng ngừa và hạn chế sử dụng trong điều trị dịch bệnh thủy sản. Do đó, công cuộc nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp thay thế các loại kháng sinh nguy hại nhằm kiểm soát dịch bệnh trên tôm vẫn đang tiếp diễn. 

Globamax AQ Pro (GAQP, Global Nutrition Internationnal France) là một phức hợp phụ gia thức ăn đa năng gồm các thành phần canxi butyrate, nấm men và polyphenol tự nhiên. Đây đều là hợp chất hoạt tính sinh học chống ôxy hóa và kháng khuẩn, đã được chứng minh công dụng cải thiện sự phát triển và tính vẹn toàn đường ruột cũng như tăng cường đáp ứng miễn dịch cho vật nuôi thủy sản. 

Các khẩu phần bổ sung GAQP giúp nâng cao hiệu suất tăng trưởng, hấp thu chất dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe đường ruột và tăng sức chống chịu cho tôm trước dịch bệnh. Khi kết hợp nhiều phụ gia thức ăn cùng lúc, lợi ích hiệp đồng của thức ăn đối với tôm cũng tăng cao hơn hẳn sử dụng riêng lẻ từng loại. Gần đây, thử nghiệm cho ăn và thách thức dịch bệnh đã được thực hiện để đánh giá tác động cũng như hiệu quả của GAQP đối với tăng trưởng và sức khỏe của TTCT. 

Thử nghiệm gồm 3 nghiệm thức: 0,2% GAQP (2 kg GAQP/ tấn thức ăn); 0,35% GAQP (3,5 kg/tấn thức ăn) và khẩu phần đối chứng không bổ sung GAQP. Các khẩu phần được xây dựng theo công thức chứa thành phần cơ bản gồm 38% khô đậu, 20% đạm động vật (bột cá, bột mực và bột gia cầm theo tỷ lệ tương ứng 7%, 3% và 10%). Ngoài ra, còn có các thành phần khác trong công thức gồm bột mỳ, dầu cá ngừ, dầu đậu nành, lecithin, vitamin, và khoáng chất để cân bằng dinh dưỡng. Toàn bộ khẩu phần theo công thức isonitrogenous (38 – 39% protein thô) và iso-lipidic (6 – 6,5% lipid thô). 

Khi bắt đầu thử nghiệm cho ăn, thả 30 con tôm trọng lượng thân 1 g vào bể 300 l và cho ăn ngẫu nhiên một trong 3 nghiệm thức. Mỗi nghiệm thức lặp lại 7 lần (n=7). Lượng thức ăn bằng 5 – 10% trọng lượng thân, 3 cữ/ngày trong suốt 8 tuần. 

Các thông số chất lượng nước được duy trì ở mức tối ưu trong thời kỳ nuôi (độ mặn 15 ppt, ôxy hòa tan >5 ppm, nhiệt độ 28 – 30°C, pH 7,5 – 8,3; NH3 <0,3 ppm; NO2-< 0,1 ppm). Thử nghiệm diễn ra tại Khoa Nuôi trồng Thủy sản, Đại học Kasetstar, Thái Lan. 

Tiến hành cân trọng lượng toàn bộ tôm sống 2 tuần/lần để giám sát hiệu suất tăng trưởng và thông số sản lượng. Cuối thử nghiệm cho ăn, đánh giá hoạt tính của enzyme tiêu hóa. 

Hiệu suất tăng trưởng 

GAQP (P<0,05) đã cải thiện đáng kể hiệu suất tăng trưởng, thậm chí chỉ sau một khoảng thời gian ngắn 2 tuần (Hình 1). Sản lượng tôm ước tính tăng khoảng 13% dựa theo sinh khối tôm thu được sau 8 tuần cho ăn. Nhóm tôm bổ sung phụ gia đạt tỷ lệ sống trung bình 88 – 89%, trong khi nhóm đối chứng 84% (P=0,06). Tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) cải thiện đáng kể trên nhóm tôm ăn bổ sung phụ gia bất kể liều lượng (Hình 2). 

Enzyme tiêu hóa 

Hoạt tính của enzyme amylase tăng trong ruột tôm bổ sung GAQP 0,2%. Tất cả các enzyme tiêu hóa đều tăng về lượng nhưng không có sự khác biệt đáng kể (P>0,05) so với nhóm đối chứng. 

Thử thách AHPND và số lượng Vibrio 

Sau 6 tuần cho ăn thử nghiệm và mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần, tiến hành thử thách với dịch bệnh AHPND. Tôm được ngâm trong bể chứa virus V.parahaemolyticus mật độ 2,4×106 CFU/ ml. Sau đó giám sát tỷ lệ tôm chết trong 10 ngày. Trước và sau thử thách dịch bệnh, xác định số lượng Vibrio trong gan tụy và đường ruột của tôm. Sau khi gây nhiễm dịch bệnh, phân tích số lượng Vibrio trong tế nào máu của tôm (haemolymph). 

Tôm đã ăn khẩu phần 0,2% và 0,35% GAQP đạt tỷ lệ sống cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng. Tỷ lệ sống của tôm tăng từ 43% trong nhóm đối chứng thử thách dịch bệnh lên 73% ở nhóm 0,35% GAQP. Cả hai nhóm tôm được bổ sung GAQP đều có tỷ lệ sống tương đương. 

Đáp ứng miễn dịch và mô học 

Các thông số miễn dịch được đánh giá trước và sau thử thách dịch bệnh. Cuối thử nghiệm cho ăn, giải phẫu gan tụy và đường ruột của tôm và tiến hành phân tích mô học. Các chỉ số đáp ứng miễn dịch như protein tế bào máu, hoạt tính lysozyme đều tăng đáng kể ở hai nhóm tôm ăn bổ sung phụ gia bất kể liều lượng. Các enzyme kháng ôxy hóa như superoxide dismutase đóng vai trò hàng rào bảo vệ sức khỏe vật nuôi cũng tăng mạnh khi bổ sung GAQP. 

Số lượng tế bào máu, hoạt tính phenoloxidase và glutathione giữa hai nhóm tôm ăn bổ sung phụ gia GAQP cũng có sự khác biệt. Sau thử thách dịch bệnh, số lượng tế bào máu và hoạt tính phenoloxidase không khác biệt đáng kể giữa các nghiệm thức. 

Phân tích mô học cho thấy, mô của gan tụy và đường ruột tôm ở nhóm tôm ăn bổ sung 0,35% GAQP tương tự. Nhung mao ruột của nhóm tôm ăn 0,2% và 0,35% GAQP có chiều dài lần lượt 154,8 – 255,1 μm và 105,4 – 167 μm, đồng thời nhiều nếp gấp hơn nhóm đối chứng với nhung mao 19,3 – 45,1 μm. 

Bổ sung phức hợp phụ gia trong khẩu phần của tôm đã góp phần ngăn chặn tình trạng nhung mao bị teo do các chất kháng dinh dưỡng từ khô đậu. Ngoài ra, bổ sung phụ gia cũng cải thiện khả năng tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng, sau cùng cải thiện khả năng sử dụng thức ăn. 

>>Tôm được cho ăn bổ sung GAQP ở cả hai tỷ lệ 0,2% và 0,35% đều đạt hiệu suất tăng trưởng và FCR tốt hơn. Bằng cách bảo vệ gan tụy và đường ruột trước vi khuẩn Vibrio và duy trì cấu trúc và tính toàn vẹn của đường ruột trước những tổn thương do chất kháng dinh dưỡng từ đạm thực vật gây ra. Do đó, phức hợp phụ gia tối ưu hóa chức năng của các bộ phận trong đường ruột, đồng thời hỗ trợ tiêu hóa chất dinh dưỡng, từ đó đảm bảo tăng trưởng của tôm. 

Đan Linh

(Theo Aquaculturemag)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!