Cách chọn giống tôm khỏe

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Xin tư vấn các phương pháp chọn tôm giống khỏe?

(Phạm Trọng Mạnh, xã Tân Hải, huyện La Gi, tỉnh Bình Thuận)

Trả lời:

Đánh giá cảm quan: Tôm giống có kích cỡ đồng đều, số tôm chênh lệch không vượt quá 5%. Chiều dài thân tôm lớn hơn 12 mm (tôm sú), 10 mm (TTCT). Màu sắc tôm tươi sáng, vỏ mỏng, có màu tro đen đến đen, đầu thân cân đối, đuôi tôm xòe ra là con giống tốt. Tôm giống tỏ ra linh hoạt, khỏe mạnh, phân bố đều trong bể nuôi, hình dáng thon dài, ruột đầy thức ăn (khả năng bắt mồi tốt). Dùng tay gõ nhẹ vào thành dụng cụ chứa tôm, nếu tôm phản ứng nhanh thì đàn tôm đó khỏe. Tôm bột không khỏe sẽ lờ đờ, không phản ứng và cơ thể cong vẹo khi bơi lội. Hoặc thả tôm giống vào thau, dùng tay khuấy đều, tôm khỏe thường bơi ngược dòng hoặc bám xung quanh thành thau, tôm yếu tụ lại ở giữa.

Sử dụng kính hiển vi: Tôm khỏe, các tế bào sắc tố (ở phần bụng) thường xuất hiện dưới dạng những đốm nhỏ có dạng hình sao. Tôm yếu, các tế bào sắc tố thường lan rộng thành những vạch nối tiếp nhau phía dưới phần bụng. Tôm có các đốt ở bụng càng dài càng tốt. Tôm có đuôi hình dáng chữ V và góc hai râu sát nhau như góc chữ V là tôm khỏe. Không có nấm, vi khuẩn hay nguyên sinh động vật bám ở chân, bụng, đuôi, vỏ và mang tôm. Các nhóm này sẽ làm cản trở sự hô hấp và lột xác của tôm.

Gây sốc: Phương pháp này đánh giá khả năng chịu đựng và tình trạng sức khỏe của tôm giống. Gây sốc độ mặn: Lấy mẫu khoảng 100 – 200 con tôm post, nếu nước trong bể ương tôm có độ mặn trên 20 ppt thì pha nước mặn và nước ngọt với tỷ lệ 1:1, nếu độ mặn nước bể ương thấp hơn 20 ppt có thể cho tôm vào thẳng trong môi trường nước ngọt. Sau 2 giờ, nếu tỷ lệ tôm chết dưới 5% là đàn tôm tốt; Gây sốc Formol: Lấy khoảng 10 lít nước trong bể ương tôm, pha dung dịch Formol nồng độ 200 ppm (2 cc/10 lít nước), cho vào khoảng 100 tôm post. Sau 2 giờ, nếu tôm chết không quá 5% thì đàn tôm đạt yêu cầu.

Phương pháp PCR: Phương pháp này đánh giá được đàn tôm có nhiễm hay không nhiễm một số bệnh virus như đầu vàng (YHV), đốm trắng (WSSV)… Phương pháp này được thực hiện bởi các phòng thí nghiệm bệnh thủy sản. Trước khi chọn mua con giống, người nuôi cần lấy mẫu gửi xét nghiệm.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!