(TSVN) – Chiều ngày 31/10, tại Hòa Bình, Sở NN&PTNT Hòa Bình phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Tọa đàm Giải pháp bảo vệ, tái tạo và Phát triển nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Đà.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hòa Bình cho biết: Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Lễ hội cá tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất; Hội chợ Nông nghiệp và Triển lãm sản phẩm OCOP vùng Trung du, miền núi phía Bắc năm 2023. Những năm qua, Hòa Bình đã làm rất tốt công tác bảo vệ nguồn lợi. Hiện diện tích mặt nước hồ chứa khoảng 2,7 ha, với 4.960 lồng nuôi thủy sản. Dự kiến sản lượng năm 2023 trên 12.000 tấn, sản lượng đánh bắt tự nhiên khoảng 2.000 tấn giúp cho bà con khai thác thủy sản có thu nhập ổn định. Để phát triển thủy sản nơi đây, tỉnh đã tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Thời gian tới, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản là hai nhiệm vụ cần được gắn kết với nhau. Đồng thời cần ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra những giống sản phẩm chất lượng, tăng năng suất… Chính vì vậy, mục tiêu của buổi tọa đàm là nơi doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà quản lý, nhà khoa học trao đổi, bàn giải pháp bảo vệ ngăn chặn khai thác tận diệt, rà soát quy định nguồn lợi thủy sản hồ chứa; Tuyên truyền cho người nuôi thủy sản nhằm nâng cao ý thức bảo vệ phát triển nguồn lợi, từ đó phát huy tiềm năng lợi thế địa phương.
Hòa Bình có mạng lưới sông, suối tương đối nhiều và phân bố khá đều trên các huyện/thành phố. Trên địa bàn tỉnh có 5 sông chảy qua và có 308 hồ chứa loại lớn, vừa và nhỏ tạo thành các thủy vực lớn giúp cho hệ sinh thái thủy sinh trở nên phong phú và đa dạng.
Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu tại Tọa đàm
Đặc biệt hồ thủy điện Hòa Bình thuộc địa phận 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La có diện tích mặt nước khoảng 16.700 ha, với dung tích chứa trên 9 tỷ m3 nước. Hồ thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình có diện tích mặt nước là 8.890 ha thuộc 4 huyện và 1 thành phố với 19 xã ven hồ. Đặc điểm của hồ có dạng lòng máng, xung quanh bao bọc bởi các dãy núi cao, đáy hồ sâu. Nguồn lợi thủy sản của hồ phong phú về giống, loài được coi là kho tàng quý báu về các loài thuỷ sinh vật của vùng Tây Bắc. Nơi sinh sống, trú ngụ của nhiều loài thủy sản quý hiếm như cá dầm xanh, anh vũ, cá lăng, cá chiên và nhiều loài thủy sản khác.
Tuy nhiên những năm qua các hoạt động của con người đã vô tình làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản, trong đó có nguyên nhân cộng đồng chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và nguồn lợi thuỷ sản, trọng tâm là bảo vệ những loài hoang dã, quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng. Mặt khác do sức ép của việc tăng dân số, số lượng người, phương tiện, ngư cụ tham gia khai thác thuỷ sản ngày càng tăng. Không những thế, người dân đã dùng mọi hình thức, đủ loại ngư cụ kể cả các loại phương tiện cấm có tính hủy diệt khi đánh bắt cá, do vậy nguồn lợi thuỷ sản đã bị giảm sút cả về sản lượng cũng như giống loài. Ngoài ra việc đô thị hoá vùng ven sông, hồ với tốc độ nhanh, chất lượng nguồn nước bị suy giảm do xả trực tiếp từ hoạt động kinh tế và nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư chưa qua xử lý cũng gây ô nhiễm và kéo theo dịch bệnh ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Vì vậy, chung tay bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Đà, là vấn đề cấp thiết.
Ông Nguyễn Xuân Sang, xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện nay người nuôi thủy sản ở lòng hồ đang phải đối mặt với những vấn đề: ô nhiễm môi trường, rác thải sinh hoạt, du khách trên lòng hồ, dịch bệnh… Tình trạng khai thác tận diệt cá tự nhiên mùa sinh sản vẫn tái diễn, dùng xung kích điện trong khai thác thường xuyên bị phát hiện. Vì vậy, ngành chức năng cần có phương án tối ưu đảm bảo nguồn lợi thuỷ sản bền vững. Bên cạnh đó, nguồn giống chất lượng rất thiếu để người nuôi có thể đảm bảo đủ con giống thả nuôi cũng là vấn đề đáng quan tâm.
Ban Cố vấn giải đáp những vướng mắc của các đại biểu tại Tọa đàm
Ông Kim Văn Tiêu, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Hòa Bình có lợi thế rất lớn về nuôi trồng thủy sản hồ chứa. Vì vậy, để phát triển cần kết hợp giữa nuôi trồng với công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Có quản lý thì tái tạo nguồn lợi mới không lãng phí. Bởi nếu không quản lý đi kèm bảo vệ nguồn lợi thì nguồn lợi thủy sản không phát triển được khiến cho người sinh sống bằng nghề này không còn kế sinh nhai. Giải pháp quan trọng, cấp bách để bảo vệ và tái tạo nguồn lợi tại hồ chứa Hòa Bình là thành lập tổ quản lý cộng đồng, giao cho chi Hội Nghề cá, trạm Kiểm ngư… để quản lý nhằm: nâng cao ý thức của người dân; Ngăn chặn hành vi khai thác hủy diệt; Nâng cao thu nhập cho người dân; Tạo sinh kế bền vững…
Cũng tại Tọa đàm, rất nhiều vấn đề, thắc mắc được các đại biểu đưa ra và đã được Ban Cố vấn trả lời nhiệt tình, tường tận.
Vũ Mưa