Nuôi cá lồng bè trên vịnh Vân Phong – phòng thời tiết, tránh dịch bệnh

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trước tình trạng cá nuôi trên lồng bè tại vịnh Vân Phong bị chết do nhiễm bệnh xảy ra gần đây, ngành chức năng tỉnh đã đưa ra những khuyến cáo để giúp người nuôi giảm thiểu thiệt hại.

Vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh là một trong những vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa với các đối tượng nuôi chủ yếu là tôm hùm, cá biển. Đây đều là những loại có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Thời gian qua, thời tiết biến động thất thường làm cho cá ở đây bị nhiễm bệnh và chết, gây thiệt hại cho người nuôi, một số hộ nuôi cá mú và cá bớp bị hao hụt 70 – 80%.

Nuôi cá biển trên lồng bè tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Ảnh: KS

Cá biển nuôi ở đây chủ yếu bị bệnh xuất huyết, lở loét, đường ruột, nhiễm ký sinh trùng, trong đó nguyên nhân gây bệnh xuất huyết, lở loét là do vi khuẩn Vibrio sp. Bệnh thường xuất hiện ở những nơi lồng bè có mật độ dày, môi trường nước bị ô nhiễm, thời tiết nắng nóng thất thường. Cá nhiễm bệnh có dấu hiệu giảm ăn, bỏ ăn, bơi lờ đờ trên mặt nước; thân cá bị lở loét hoặc xuất huyết, da cá sậm màu; nặng thì cá có vết lở loét rộng và sâu, vây nhợt nhạt. 

Trạm Chăn nuôi và Thú y Vạn Ninh khuyến cáo: người nuôi nên chọn mua giống ở địa chỉ uy tín, rõ nguồn gốc; cá giống mua về phải tắm nước ngọt từ 3 đến 5 phút để ngăn chặn mầm bệnh do Vibrio sp gây ra. Trong quá trình nuôi, nên bổ sung vitamin C vào khẩu phần ăn, khi nắng nóng có thể bổ sung thêm chất điện giải. Ngoài ra, người nuôi cần giữ môi trường sạch, thông thoáng và vệ sinh lồng bè trước khi thả cá, có thể chạy máy cung cấp ôxy. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi cần kiểm tra lồng bè thường xuyên, không để thức ăn dư thừa nhất là sau những đợt mưa lớn hoặc thời tiết thay đổi. Người nuôi cần xử lý kịp thời khi phát hiện cá bị bệnh, tránh để lây lan thành dịch.

Cùng với đó, Sở NN&PTNT Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị các địa phương bám sát tình hình thực tế, tăng cường theo dõi, quản lý vùng nuôi trồng thủy sản; phối hợp với các cơ quan quản lý thông tin, cảnh báo người nuôi về thời tiết, kết quả quan trắc môi trường vùng nuôi và dịch bệnh thủy sản để chủ động ứng phó, phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại. 

Khánh Nguyễn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!