THỨ NĂM, ngày 23/1/2025

T6, 03/11/2023 05:10

Bình Định: Phê duyệt chương trình khuyến nông giai đoạn 2024 – 2026

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Chương trình được UNBD tỉnh Bình Định phê duyệt tại Quyết định số 3717/QĐ-UBND. Mục tiêu thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Theo Quyết định số 3717/QĐ-UBND, tỉnh Bình Định sẽ xây dựng các mô hình trình diễn khuyến nông chuyển giao và mở rộng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, quy trình canh tác nuôi trồng, công nghệ mới nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất trên các lĩnh vực trồng trọt, cơ giới hóa, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp khác. Trong đó, ưu tiên và tập trung xây dựng các mô hình hỗ trợ thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân theo chuỗi giá trị, có khả năng nhân ra diện rộng. Phấn đấu nâng hiệu quả sản xuất khi áp dụng thực hiện mô hình lên từ 15 – 20% so với sản xuất đại trà, truyền thống.

Một tàu cá khai thác xa bờ sử dụng đèn LED. Ảnh minh họa. 

Trong đó, lĩnh vực thủy sản sẽ có 4 mô hình, gồm: 

Một là, mô hình ứng dụng đèn LED trên tàu khai thác cá. Cụ thể, ứng dụng công nghệ đèn LED chuyên dụng cho nghề lưới vây kết hợp ánh sáng đánh bắt cá nổi ở vùng biển xa bờ thay thế cho bóng đèn, cao áp. Nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu tác động của khí nhà kính đến môi trường, bảo vệ sức khỏe của ngư dân trên biển. Mô hình này sẽ thực hiện tác các huyện, thị xã, thành phố: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Quy Nhơn…; Quy mô: 50 bộ đèn LED/tàu/điểm/năm, xây dựng 150 bộ đèn LED/3 tàu/3 điểm/3năm.

Hai là, mô hình nuôi thương phẩm cá điêu hồng trong lồng bè trên hồ chứa thủy lợi hoặc đập dâng gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập người dân, ổn định nuôi trồng thủy sản. Mô hình dự kiến thực hiện tại các huyện, thị xã: Vĩnh Thạnh, An Nhơn, Phù Cát…; Quy mô: 100 m3/điểm; xây dựng 300 m3/3 điểm/năm; Diện tích: 900 m3/9 điểm/3 năm.

Thứ ba là mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng bán thâm canh – thâm canh hai giai đoạn ứng dụng công nghệ Semi BioFloc. Mục tiêu tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm sử dụng nước – kháng sinh – hóa chất; Địa điểm thực hiện là tại các huyện, thành phố: Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, Quy Nhơn…; Quy mô: 1.000 m2/điểm; xây dựng 3.000 m2/3 điểm/năm; Diện tích: 9.000 m2/9 điểm/3 năm.

Thứ tư là mô hình nuôi tổng hợp các loài thủy sản dưới tán cây ngập mặn kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Mục tiêu: Đa dạng hóa các đối tượng nuôi ở những vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến nhằm hạn chế rủi ro bệnh dịch, cải thiện môi trường sinh thái, kết hợp phát triển du lịch sinh thái nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn thực phẩm. Mô hình này dự kiến triển khai thực hiện tại các huyện, thành phố: Tuy Phước, Phù Cát, Quy Nhơn…; Quy mô: 1 ha/điểm/năm; Diện tích: 3 ha/3 điểm/3 năm.

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!