(TSVN) – Nông sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tuy nhiên vấn đề logistics đang trở thành lực cản cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. Để nâng cao chuỗi giá trị hàng nông sản, sự đồng bộ về hạ tầng, thể chế chính sách, nguồn nhân lực trở thành yêu cầu bức thiết và là một trong những giải pháp mới cho hoạt động logistics xuyên biên giới.
Thông tin tại hội thảo khoa học với chủ đề: “Định hướng hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của hệ thống cung ứng dịch vụ logistics trong chuỗi giá trị nông sản” do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tổ chức trực tuyến và trực tiếp mới đây; sản xuất nông nghiệp Việt Nam trong những năm qua đạt nhiều thành tựu, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Để đạt được những thành tựu kể trên, logistics đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sản xuất, thương mại nông sản, giảm chi phí và tăng năng lực cạnh tranh.
Doanh nghiệp “oằn mình” dưới gánh nặng chi phí logistics. Nguồn: VASEP
Tuy nhiên, hạ tầng logistics đang là rào cản ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu, khả năng tận dụng cơ hội kinh doanh. Ông Tô Mạnh Hà, Quản lý kinh doanh, Ban Quản lý Nông – lâm – thủy sản (Tập đoàn T&T), cho biết, Việt Nam nằm sát thị trường lớn Trung Quốc nhưng hạ tầng logistics chưa khai thác được lợi thế này. Hiện nay, một xe sầu riêng đi từ Đắk Lắk đến Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc mất 7 ngày nếu cửa khẩu thông thoáng. Nếu ùn tắc, xe phải nằm chờ, riêng tiền dầu chạy xe tốn thêm 2,5 triệu đồng/ngày. Theo ông Hà, nếu Lạng Sơn hay các cửa khẩu lớn có đủ bến bãi tập trung, xe hàng đưa lên vào đó nằm chờ xuất khẩu thì không có chuyện ùn tắc.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp tại “Hội nghị logistics 2023” mới được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh; bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch Công ty Western Pacific cho rằng, đã đến lúc Chính phủ định danh lại ngành logistics. Bởi, ngành này hiện nay đang quá rộng, bao gồm nhiều ngành, nghề như hạ tầng, dịch vụ, con người. Việc luật hóa, cụ thể hóa sẽ giúp ngành logistics minh bạch về hành lang pháp lý, các doanh nghiệp yên tâm hơn từ đó sẽ thu hút được các doanh nghiệp lớn trên thế giới về đầu tư.
Một yếu tố nữa làm giảm sự cạnh tranh của ngành theo bà Huệ là chi phí vận tải trên tổng chi phí logistics của Việt Nam đang lên tới hơn 60%, cao gấp đôi so với các nước khác. Nguyên nhân là do quy hoạch hạ tầng thiếu sự đồng bộ, chưa phát huy được thế mạnh đặc thù của từng địa phương.
TS Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng IPSARD cho biết, hiện nay IPSARD đang xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”; với mục tiêu đến năm 2030 giảm trung bình 0,5 – 1%/năm tổn thất sau thu hoạch và 30% chi phí logistics nông sản khi phân phối qua hệ thống trung tâm dịch vụ Logistics nông sản. Đảm bảo 100% nông sản qua hệ thống trung tâm logistics nông sản được truy xuất nguồn gốc và đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Tại các vùng sản xuất nguyên liệu có các trung tâm dịch vụ logistics nông sản, 70% số hợp tác xã, thương nhân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics và 100% hợp tác xã, thương nhân, doanh nghiệp được đào tạo tập huấn nâng cao năng lực các kỹ năng liên quan đến dịch vụ logistics nông sản.
Để đạt mục tiêu đề ra, Dự thảo Đề án đưa ra các nhiệm vụ xây dựng hệ thống trung tâm dịch vụ logistics nông sản gồm ba loại hình: Trung tâm dịch vụ logistics nông sản tại các vùng sản xuất tập trung; Trung tâm dịch vụ logistics nông sản tại các vùng kinh tế trọng điểm; Trung tâm dịch vụ logistics nông sản tại các cửa khẩu và cảng biển. Cùng với việc xây dựng hệ thống trung tâm dịch vụ logistics, cần phải triển khai đồng loạt các nhiệm vụ như xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng của các Trung tâm dịch vụ logistics nông sản và hạ tầng giao thông kết nối giữa các Trung tâm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống Trung tâm dịch vụ logistics nông sản; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống logistics nông sản và triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách phục vụ hệ thống logistics nông sản.
>> Chi phí logistics nông nghiệp Việt Nam chiếm tỷ trọng khá cao trong một số ngành sản xuất nông nghiệp (chiếm 12% giá thành sản phẩm ngành thủy sản, 23% giá thành đồ gỗ, 29% giá thành rau quả, 30% giá thành gạo). Tỷ lệ hao hụt và thất thoát trong chuỗi nông sản lớn từ 25 - 30%, trong đó thủy, hải sản 35%, rau quả và trái cây có thể lên đến 45%. Chi phí logistics nông nghiệp ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12% và Singapore 300%. Trên tổng thể, chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng hơn 20% GDP, trong khi đó, mức trung bình trên thế giới chỉ khoảng 11% GDP.
Hải Lý