THỨ BA, ngày 21/1/2025

Một số lưu ý khi nuôi ghép tổng hợp tôm, cua, cá

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nuôi ghép tổng hợp tôm, cua, cá theo hướng an toàn sinh học là một trong những phương hướng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro và nâng cao thu nhập cho người nuôi.

  1. Chọn địa điểm 

– Ao nuôi nằm ở vùng trung đến hạ triều, thuộc vùng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, thuận lợi trong việc cấp và thoát nước; 

– Ao nuôi là ao sinh thái có cây ngập mặn ven bờ hay ao vừa có cây ngập mặn ven bờ vừa có cây ngập mặn trong ao. Bờ ao chắc chắn, giữ được nước; 

– Chất đáy cát bùn, bùn cát, cát, thịt pha sét, không quá nhiều bùn nhão; 

– Ao có mức nước sâu từ 1 – 1,2 m;

– Diện tích ao: từ 5.000 – 15.000 m2;

– Nên chọn nơi giao thông thuận tiện, có điện lưới, đảm bảo an ninh. 

Mô hình nuôi xen ghép thủy sản ở Quảng Trị. Ảnh: TTKN Quảng Trị

  1. Chuẩn bị ao nuôi 

– Tiến hành tháo cạn nước, sục bùn lên, trường hợp tháo xả không cạn thì sử dụng máy để bơm. 

-Tu sửa lại bờ ao, lấp hết mọi hang hốc để tránh thất thoát nước, thẩm lậu và tôm, cua, cá nuôi đi ra ngoài. 

– Gia cố cống, làm đăng lưới chắn quanh cống, phía trong ao. 

– Đối với ao có bờ ngập nước khi triều cường cần dùng lưới 2a = 1cm, khổ 0,5 – 0,7m chắn quanh bờ ao để bảo vệ, lưới chắn có góc nghiêng vào trong lòng ao 45o nhằm đảm bảo tôm, cua, cá nuôi trong ao không thể thoát ra ngoài. 

– Vùng giữa ao nên bổ sung chà cho cua ẩn nấp. 

  1. Chọn giống 

– Nên chọn giống ở những cơ sở sản xuất có uy tín. 

– Tôm sú cần ương trước khi thả khoảng 20 ngày, đạt kích cỡ 3 – 5 cm/con. 

– Cua giống có kích thước đồng đều từ 1,5 cm trở lên, linh hoạt không bệnh tật, dị hình; màu sắc tươi sáng, đầy đủ các phần phụ và khỏe mạnh. 

– Cá giống khỏe mạnh, chọn cá có màu sắc tươi sáng, không dị hình, vây vảy hoàn chỉnh, không bị xây xát, lở loét. Cá hoạt động linh hoạt, bơi lội nhanh nhẹn, kích cỡ: cá chua 3 – 5 cm/con, cá dìa 4 – 6 cm/con, cá đối mục >4 cm/con. 

  1. Thả giống 

– Mật độ thả giống: Tôm giống  ≤ 10/con/m2, cua ≤ 0,2 con/m2, cá ≤ 0,1 con/m2

– Mùa vụ thả giống: Tuân thủ lịch thời vụ hàng năm của địa phương do Sở NN&PTNT ban hành. 

– Vận chuyển giống vào lúc sáng sớm hay chiều tối, nhằm tránh nhiệt độ quá cao gây sốc cho đối tượng nuôi. 

– Trước khi thả giống cần so sánh các yếu tố môi trường (pH, độ mặn, độ kiềm…) giữa trại giống và ao nuôi để khi thả giống người nuôi thực hiện điều chỉnh môi trường, tránh gây sốc cho đối tượng nuôi. 

– Nên thả giống xuống ao nuôi vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Chọn đầu hướng gió để thả. Khi thời điểm thả giống nhiệt độ buổi sáng còn thấp (mùa xuân) nên thả lúc 8h – 9h. Con giống đựng trong các túi nilon được ngâm xuống ao nuôi khoảng 30 phút cho đến khi cân bằng nhiệt độ. Sau đó mở túi nilon cho nước vào từ từ để cân bằng môi trường rồi mới cho ra ao nuôi. 

– Đối với cua, nên thả sát mép nước ở nhiều điểm trong ao. Những con yếu thường nằm tại chỗ hoặc bò chậm, người nuôi thu lại cho vào giai để theo dõi, nếu phục hồi thì thả xuống. 

  1. Thức ăn 

– Cho đối tượng chính là tôm sú ăn thức ăn viên công nghiệp có độ đạm ≥ 40%, cho ăn 1- 2 lần/ngày. Khẩu phần cho ăn từ 2 – 5% trọng lượng thân. 

– Đối với cua cho ăn bằng thức ăn tự chế biến như cá tạp, nhuyễn thể hai mảnh vỏ… đã qua hấp chín, lượng thức ăn hàng ngày chiếm 5 – 7% trọng lượng đàn cua. Ngoài ra, các đối tượng nuôi sử dụng thức ăn tự nhiên như: mùn bã hữu cơ, vi sinh vật, ấu trùng, động vật thân mềm, rong… 

– Cua thường hoạt động bắt mồi vào buổi tối nên cho cua ăn 1 lần/ngày vào lúc chiều tối. Lượng thức ăn tăng mỗi ngày, thường xuyên kiểm tra khả năng bắt mồi của cua để có chế độ tăng giảm hợp lý, có thể dùng sàng ăn kiểm tra khả năng bắt mồi và sức khỏe cua. 

– Ngoài chất lượng thức ăn, công tác quản lý cho ăn cũng rất quan trọng, cho ăn theo 4 định: định chất, định lượng, định vị trí và định thời gian, giúp cho hiệu quả sử dụng thức ăn cao nhất. 

  1. Quản lý ao nuôi 

– Duy trì độ sâu: >1 m, lý tưởng nhất là 1,2 m. 

– Màu nước: Nước nên có màu xanh lá cây pha nâu, nâu vàng hoặc xanh lá chuối non. 

– Độ trong: Đạt từ 40 – 60 cm trong vòng 2 tháng đầu. Đến tháng thứ 3 trở đi duy trì độ trong từ 30 – 40 cm. 

– pH: duy trì pH nước trong khoảng 7,5 – 8,5. Nếu pH thấp hơn hoặc cao hơn, thay nước và bón vôi sống (CaCO3), vôi Dolomite (CaMg(CO3)2) với tỷ lệ 150 – 300 kg/ha. Ngay sau khi trời mưa to, cần bón vôi xuống ao, cần rắc vôi dọc theo bờ ao. 

– Từ tháng thứ 2 bắt đầu thay nước. Tùy theo chất lượng nước trong ao mà quyết định chu kỳ và khối lượng nước thay, thường tuần/lần 20 – 30%. 

Ngoài việc thay nước định kỳ ra ta có thể tiến hành thay nước cho ao nếu: 

– pH dao động quá 0,5 đơn vị trong ngày hay nhỏ hơn 7,5 và lớn hơn 8,5; 

– Màu nước trong ao đậm hơn một cách đáng kể (độ trong từ 20 – 25 cm); 

– Nước trong ao quá trong (độ trong lớn hơn 80 cm); 

– Hàm lượng các chất hữu cơ lơ lửng gia tăng. 

  1. Phòng và trị bệnh 

– Thức ăn viên công nghiệp trộn bổ sung Vitamin C, lượng 3 – 5 g/kg TA; trộn men vi sinh, lượng 3 – 5 g/kg TA. 

– Dụng cụ chăm sóc (sàng kiểm tra…) dùng riêng cho từng ao hoặc phải khử trùng bằng Chlorine 5 – 6% (nồng độ 5 – 6 g/100 ml) trước khi sử dụng cho ao khác. 

– Thường xuyên kiểm tra ao, xem xét tình trạng cụ thể và có biện pháp kiểm tra kịp thời; kiểm tra tình trạng bờ, cống, rào chắn tránh thất thoát cua. 

– Thực hiện phương pháp thu mẫu ngẫu nhiên, đếm, cân đo… để đánh giá định kỳ số lượng, khối lượng trung bình, mật độ nuôi, tỷ lệ sống và tổng sinh khối tôm, cua, cá nuôi. 

– Thực hiện kiểm tra, loại bỏ cua, cá chết và ghi chép đầy đủ các thông tin. 

  1. Thu hoạch 

– Tôm sú đạt kích cỡ 20 g/con, cua xanh thương phẩm phải đạt 250 g/con trở lên, cá đạt 150 – 300 g/con thì tiến hành thu hoạch. Có thể thu tỉa tôm, cua cá bằng lưới rê, lưới kéo. 

– Sau 5 tháng chúng ta tháo cạn thu toàn bộ tôm, cua và cá. Cua được giữ sống tránh gây thương tật, gãy càng, chân, làm giảm giá trị của cua. 

Thành Nguyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!