(TSVN) – Theo Cục Thống kê Bình Thuận, sản lượng nuôi trồng trong tháng 10/2023 tương đối ổn định, ước đạt 1.244 tấn, tăng 2,9%; lũy kế 10 tháng ước đạt 9.005,3 tấn, giảm 11,5% so cùng kỳ năm trước.
Không chỉ là 1 trong 3 ngư trường lớn của cả nước, Bình Thuận còn có lợi thế, tiềm năng trong phát triển nuôi trồng thủy sản. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn do nguồn hải sản ven bờ cạn kiệt, những năm gần đây, Bình Thuận đã cố gắng đầu tư thực hiện chương trình đánh bắt hải sản xa bờ song song với phong trào nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh theo quy mô trang trại và hộ gia đình, đã đem lại kết quả đáng khích lệ. Nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh chuyển dần theo hướng công nghiệp, đối tượng nuôi ngày càng đa dạng, phong phú: tôm giống, tôm thẻ chân trắng, cá nước ngọt, cá mú, cá chim, tôm hùm, cá bớp…
Các đối tượng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận khá đa dạng. Ảnh: Ngọc Lân
Diện tích nuôi trồng thủy sản trong tháng 10/2023 ước đạt 248,4 ha, tăng 2,9% so cùng kỳ năm trước; lũy kế 10 tháng ước đạt 2.553,5 ha, giảm 4,8% so cùng kỳ năm trước (trong đó diện tích nuôi cá 1.945,4 ha, giảm 8,9%; diện tích nuôi tôm 523,5 ha, giảm 2,9%).
Hiện nay, nhiều cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi sang công nghệ nuôi mới 2 hoặc 3, 4 giai đoạn, kết hợp ao tròn hoặc ao hình chữ nhật diện tích từ 1.000 – 1.200 m2. Với công nghệ nuôi mới này đã kiểm soát tốt hơn môi trường nuôi và dịch bệnh trong giai đoạn đầu, mật độ thả nuôi cao (giai đoạn 1 khoảng 1.500 – 2.000 con/m2) nên năng suất nuôi tăng cao từ 25 – 30 tấn/ha/vụ, bình quân mỗi năm nuôi được 3 vụ.
Bên cạnh đó, nghề sản xuất tôm giống cũng đang phát triển theo hướng tập trung đầu tư quy mô lớn, số lượng cơ sở sản xuất nhỏ giảm nhanh. Trong tháng 10/2023, các cơ sở trên địa bàn tỉnh sản xuất khoảng 2,4 tỷ con tôm giống, tăng 1,5% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, sản lượng tôm giống ước đạt 20,4 tỷ con, giảm 2,7% so cùng kỳ năm trước. Trong tháng 10/2023, ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra duy trì điều kiện cho 6 cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn huyện Tuy Phong. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, đã kiểm tra duy trì điều kiện cho 65 cơ sở, đạt 78,3% số cơ sở/tổng số 99 cơ sở phải tiến hành kiểm tra duy trì điều kiện trong năm 2023 (16 cơ sở tạm nghỉ sản xuất dài hạn). Kết quả kiểm tra có 64 cơ sở đủ điều kiện và 1 cơ sở chưa đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định.
Trong tháng 10/2023, khai thác thủy sản bị ảnh hưởng do thời tiết ngư trường không thuận lợi. Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng 10/2023 ước đạt 22.102 tấn, giảm 0,7% so cùng kỳ (trong đó khai thác biển ước đạt 22.040 tấn, giảm 0,7%). Lũy kế 10 tháng ước đạt 197.914,9 tấn, tăng 2% so cùng kỳ năm trước (trong đó khai thác biển ước đạt 197.428,6 tấn, tăng 2%).
Công tác đăng ký tàu cá, cấp giấy phép khai thác, cấp chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm tàu cá tính đến ngày 05/10/2023, số tàu cá được cấp giấy giấy phép khai thác thủy sản còn hạn là 5.241, đạt 87,7%, trong đó: giấy phép khai thác vùng khơi là 1.917 giấy, đạt tỷ lệ 97,8%; giấy phép khai thác vùng lộng là 1.665 giấy, đạt tỷ lệ 85,7%; giấy phép khai thác vùng bờ là 1.659 giấy, đạt tỷ lệ 80%.
Công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển tiếp tục tăng cường; tăng cường kiểm soát nghề cá phục vụ phòng, chống khai thác IUU, trong tháng không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Triển khai thực hiện công tác đăng kiểm tàu cá theo kế hoạch, số tàu đăng kiểm trong tháng là 332 chiếc. Lũy kế 10 tháng thực hiện đăng kiểm được 2.073/3.902 tàu cá có chiều dài từ 12 mét trở lên; tàu cá còn hạn đăng kiểm là 1.147 chiếc, nâng tổng số tàu cá còn hạn đăng kiểm tính đến nay là 3.220 chiếc/3.902 chiếc, đạt tỷ lệ 82,52%, tăng 7,14% so cùng kỳ năm trước. Tất cả tàu cá thực hiện đăng kiểm đều được đánh dấu tàu cá theo đúng quy định.
>> Trong thời gian tới, ngành thủy sản Bình Thuận tiếp tục cơ cấu lại theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị khai thác, nuôi trồng thủy hải sản. Phát triển nuôi trồng thủy sản đa dạng theo điều kiện của từng địa phương; ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm nước lợ theo các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế để nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn dịch bệnh… Đồng thời, cơ cấu lại việc khai thác hải sản theo hướng giảm số lượng tàu cá ra khơi.
Nguyễn An