(TSVN) – Đó là mô hình của nông dân Nguyễn Hoàng Nam (ấp Cây Sộp, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình). Ông Nam nổi tiếng với cách nuôi tôm xen canh cua có kích cỡ lớn, bán được giá cao.
Ông Nguyễn Hoàng Nam cho biết, vào năm 2000, địa phương chuyển dịch cơ cấu từ trồng lúa không hiệu quả sang nuôi tôm.
“Nhờ canh tác có hiệu quả, mà tôi tích lũy được vốn liếng; cộng thêm 2 gia đình có cho một số vốn, nên hai vợ chồng quyết định mở tiệm tạp hóa kết hợp bán vật tư nông nghiệp, tôm giống”, ông Nam chia sẻ. Tuy nhiên, sau thời gian kinh doanh cho hiệu quả, thị trường bị bão hòa. Gia đình ông quyết định mua thêm đất để nuôi tôm.
Mô hình của ông Nguyễn Hoàng Nam cho lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Ảnh: Chúc Ly
Hiện gia đình ông nuôi mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 2 giai đoạn. Ông Nam cho biết: “Ngay từ khi bắt đầu nuôi tôm sú trở lại tôi đã áp dụng theo cách nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 2 giai đoạn. Chỉ bắt bán những con tôm sú từ hàng 2 (loại 20 con/kg) trở lên. Đồng thời, tôi kết hợp thả xen canh cua biển”.
Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, để áp dụng mô hình nuôi tôm sú quảng canh 2 giai đoạn, nuôi tôm sú xen canh cua biển, trước tiên ông chọn nơi cung cấp tôm giống, cua giống chất lượng, rõ nguồn gốc.
Bởi ông Nam cho rằng tôm giống, cua giống là yếu tố rất quan trọng quyết định đến thành công của mỗi mùa vụ.“Khi mua tôm giống, cua giống, tôi chọn chỗ bán có uy tín và nhờ họ thuần con giống cho cứng cáp, đủ tiêu chuẩn như tôi mong muốn. Sau đó tôi mới bắt về và thả vào vuông tôm”.
Với diện tích khoảng 11 ha, ông Nam chia làm 2 khu riêng biệt. Khi con giống được bắt về, ông thả vào khu 1, đồng thời chọn những con tôm đã lớn ở khu 2 thả qua để cải tạo đầm. Khi con tôm giống ban đầu ở khu 1 được khoảng 60 ngày tuổi, ông lại tiến hành san sang khu 2. Sau đó, ông tiếp tục nuôi tôm 60 ngày tuổi này thêm khoảng 35 – 40 ngày là đã có thể thu hoạch, với cỡ tôm lớn.
Theo đó, việc san tôm qua lại giữa 2 khu, giúp ông Nam thu hoạch được như mong muốn, loại bỏ được những con tôm bị bệnh.
Nhiều năm nay, mô hình nuôi tôm của ông Nam ngoài luôn tuân thủ kỹ thuật nuôi hai giai đoạn, ông còn áp dụng thả giống thưa. Trung bình 1.000 m2, ông Nam chỉ tiến hành thả 500 con giống.
“Việc nuôi tôm thưa giúp tiết kiệm được chi phí thả con giống. Tôm lớn nhanh, ít rủi ro sẽ có giá trị cao hơn, thay vì nuôi nhiều tôm nhưng không hiệu quả, tôi chỉ cần nuôi ít tôm nhưng sẽ lớn hơn thì sẽ yên tâm hơn rất nhiều”, ông Nam cho biết. Với cách làm này, ông Nam thu được những con tôm sú với kích cỡ lớn. Theo ông Nam, những năm giá cả ổn định, ông bán tôm sú loại 20 con/ kg với giá từ 280.000 – 290.000 đồng/kg, có khi hơn 300.000 đồng/kg.
Ngoài nuôi tôm, ông Nam còn kết hợp nuôi cua trong vuông. Tuy nhiên, khác với nhiều người, ông cũng chọn con giống cua rõ nguồn gốc, và thực hiện tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cua.
Theo ông Nam, ông tạo hệ sinh thái thức ăn tự nhiên là những con hàu cho cua ăn. Rải rác khắp vuông tôm, ông thiết kế những giá thể để hàu, ốc gạo bám vào sinh sống. Nhờ đó, cua có tỷ lệ đạt cao, lại nhanh lớn. Trung bình mô hình nuôi tôm xen canh cua của ông Nam trừ chi phí, tôm cho hiệu quả 1 tỷ đồng/năm, cua cho thu 500 – 600 triệu đồng/năm.
>> Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp xen canh giữa các loài thủy sản mang lại hiệu quả kép cho người dân. Bên cạnh hiệu quả kinh tế, mô hình không làm suy thoái vùng nuôi, giúp người dân sản xuất liên tục lâu dài nhiều năm với hiệu quả ổn định; nâng cao được ý thức bảo vệ môi trường cộng đồng.
Ngọc Diệp