(TSVN) – Trong lần kiểm tra thứ tư vào tháng 10/2023, Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu u (EC) đánh giá Việt Nam đã có nhiều nỗ lực góp phần gỡ thẻ vàng, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Qua 5 nhóm khuyến nghị của EC, Cục Kiểm Ngư đề xuất các giải pháp cấp bách trước mắt đến tháng 4 năm 2024 để phấn đấu gỡ cảnh báo thẻ vàng.
Tham gia Tọa đàm giữa Bộ NN&PTNT với 28 đoàn đại biểu Quốc hội và địa phương ven biển tổ chức ngày 22/11 vừa qua, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Kiểm ngư đã đề xuất các giải pháp cấp bách đến tháng 4/2024 để gỡ cảnh báo thẻ vàng. Trong đó ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của các đại biểu quốc hội đại diện cho tiếng nói của các địa phương, sát cánh cùng Bộ NN&PTNT cũng như ngành thủy sản, đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các hoạt động tiếp xúc cử tri, ngư dân; giúp họ sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc khai thác thủy sản theo quy định pháp luật.
Ngư dân quyết tâm gỡ thẻ vàng vì sự phát triển bền vững của ngành thủy sản. Ảnh: ST
Theo ông Hùng, hiện nay các tàu cá vi phạm tập trung tại 7 tỉnh miền Trung là Kiên Giang, Bến Tre, Bình Định, Cà Mau, Bình Thuận, Khánh Hòa Tiền Giang. Do vậy, Cục Kiểm ngư đề nghị 7 tỉnh này quan tâm và có giải pháp hỗ trợ kiểm soát các tàu đi khai thác ở vùng biển nước ngoài, huy động tối đa lực lượng biên phòng kiểm soát các tàu ven bờ trước khi đi đánh bắt.
Cục Kiểm Ngư cũng đề xuất Bộ Ngoại giao trao đổi với đại sứ bên phía Malaysia, Indonesia để có giải pháp phối hợp cung cấp thông tin hồ sơ, dữ liệu để khi tàu cá Việt Nam vi phạm thì hai bên có thể trao đổi thảo luận, hợp tác trên tinh thần hữu nghị.
Bên cạnh đó, lực lượng biên phòng sẽ là lực lượng chủ động phối hợp với ngành thủy sản chốt chặn các cửa sông, cửa biển để kiểm tra tàu vi phạm ngắt kết nối, kiên quyết không cho xuất bến.
Ngày 4/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã gửi công điện 1058/CĐ-TTg về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU, trong công điện cũng nêu rõ quyết tâm gỡ thẻ vàng không phải chỉ đối phó với EC mà là vì lợi ích của quốc gia, của dân tộc, đảm bảo lợi ích của người dân, phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế,…Do vậy, việc chống IUU hơn lúc nào hết rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, các nghiệp đoàn nghề cá, các đại biểu quốc hội quan tâm giám sát, chung tay cùng hành động.
Thùy Khánh