(TSVN) – Trong Quy hoạch thành phố giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg, Đà Nẵng phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Đến năm 2030, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,5 – 10%/năm và phấn đấu đạt 12%/năm theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp – thủy sản tăng 2,5 – 3%; Còn trong cơ cấu kinh tế, lĩnh vực nông, lâm nghiệp – thủy sản chiếm khoảng 1 – 2%.
Âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Báo Hải quân Việt Nam.
Quy hoạch hướng đến việc xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế. Định hướng phát triển du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, các ngành khai thác, chế biến thủy, hải sản, công nghiệp ven biển và các ngành kinh tế biển mới; sắp xếp và tổ chức hợp lý không gian phát triển ngành kinh tế biển, đô thị biển, sử dụng hiệu quả quỹ đất, mặt nước và không gian biển; liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển và phát triển kinh tế biển thích ứng với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Phấn đấu đến năm 2030 đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) đạt 15%.
Trong định hướng phát triển các ngành kinh tế, Quy hoạch hướng phát triển nông nghiệp đô thị, hữu cơ, sinh thái, bền vững; phát triển các vùng nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; nghiên cứu, xây dựng khu công viên sinh thái nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; Phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế hiện đại gắn với bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo. Hình thành Trung tâm nghề cá hiện đại gắn với ngư trường truyền thống Hoàng Sa; đầu tư xây dựng Cảng cá và Chợ thủy sản đầu mối Thọ Quang thành trung tâm thương mại, dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với phục vụ du lịch.
Trong quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hình thành, đưa vào hoạt động các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao tại các xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Phú, Hòa Nhơn với phân khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xác định tại khu vực phía Tây Nam thành phố, dọc theo tuyến Vành đai phía Tây (gồm: Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Nhơn).
Đồng thời, tiếp tục đầu tư hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng Cảng cá Thọ Quang và khu neo đậu tránh trú bão tại Âu thuyền Thọ Quang, đầu tư xây dựng các hạ tầng để phục vụ khai thác ngư trường Hoàng Sa.
PV