(TSVN) – Theo Cục Thống kê Kiên Giang, tháng 11/2023, sản lượng thủy sản nuôi trồng duy trì ổn định, trong khi đó khai thác tiếp tục giảm.
Thời gian gần đây, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh Kiên Giang liên tục thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của thời tiết, biển động, ngư trường khai thác ngày càng cạn kiệt. Cùng đó, việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản chưa hiệu quả, trong khi đó vi phạm trong khai thác vẫn còn xảy ra, giá cả sản phẩm và phương pháp bảo quản sau khai thác chưa được đảm bảo theo yêu cầu, thiếu sự ổn định. Ngoài ra, nhiều phương tiện khai thác thủy sản vẫn hoạt động cầm chừng vì không có hiệu quả, một số tàu thuyền chưa quay lại bám biển do chi phí đi biển quá lớn. Bên cạnh đó, có một số trường hợp tàu cá thiếu nhân lực do thu nhập giảm nên mọi người chuyển sang làm những ngành nghề khác.
Sản lượng khai thác giảm so với cùng kỳ các năm trước. Ảnh: ST
Sản lượng khai thác thủy sản tháng 11 ước đạt 33.382 tấn, giảm 9% so với tháng trước và giảm 10,48% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng đầu năm 2023, sản lượng khai thác ước đạt 403.174 tấn, đạt 83,99% kế hoạch, giảm 13,35% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, tỉnh Kiên Giang phấn đấu sản lượng khai thác đạt 480.000 tấn. Để có thể hoàn thành kế hoạch, ngành chức năng tỉnh phối hợp với các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, nhất là chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp khôi phục, tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Tăng cường công tác quản lý, đóng mới, đăng ký, đăng kiểm tàu cá, nâng cao chất lượng bảo quản sản phẩm để tăng giá trị sản phẩm và hiệu quả khai thác.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) và kế hoạch hành động cao điểm chống khai thác hải sản phất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Trung ương và của tỉnh.
Trong tháng 11/2023, tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, người dân chủ động nuôi thả và gia tăng diện tích các loài thủy sản có hiệu quả kinh tế cao. Việc quản lý môi trường, phòng trừ dịch bệnh trên tôm, cua được kiểm soát tốt, năng suất đạt khá cao so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng đầu năm 2023, diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 291.523 ha, đạt 100,01% kế hoạch, giảm 0,72% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích nuôi tôm đạt 168.002 ha chiếm 57,63% tổng diện tích.
Tháng 11 cũng là thời điểm bước vào vụ thu hoạch chính trong năm của cá và các loài nhuyễn thể. Sản lượng cua và các loài nhuyễn thể năm nay đạt khá cao do người dân áp dụng kỹ thuật chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia. Đồng thời, việc tận dụng thu vét các loại tôm trên diện tích thả nuôi cũ góp phần tăng sản lượng thủy sản nuôi trồng. Bên cạnh đó, mô hình nuôi tích hợp nhiều loài thủy sản trên cùng một diện tích trồng lúa đã phát huy hiệu quả với ưu điểm tận dụng hết thức ăn sẵn có, nâng cao năng suất. Sản lượng thủy sản nuôi tháng 11/2023 ước đạt 35.165 tấn, giảm 21,98% so tháng trước và tăng 3,11% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng nuôi trồng 11 tháng đầu năm 2023 ước 336.904 tấn, đạt 93,58% kế hoạch và tăng 14,38% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Sở NN&PTNT Kiên Giang, thời gian qua, đối với diện tích trồng lúa kém hiệu quả hoặc không đảm bảo nguồn nước tưới, tỉnh khuyến khích nông dân chuyển sang mô hình tôm – lúa. Hiện, mô hình này đã mang lại hiệu quả cho người sản xuất, từ thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha, tăng lên 100 – 130 triệu đồng/ha.
Nhiều diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả đã chuyển sang mô hình tôm – lúa cho thu nhập ổn định hơn. Ảnh: Đặng Linh
Từ nay đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang tiếp tục phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và nước biển dâng, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm. Hiệu quả kinh tế của ngành hàng này dựa trên việc tổ chức sản xuất phù hợp, đầu tư đồng bộ và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm, đưa nuôi trồng thủy sản trở thành lĩnh vực có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Nguyễn Hằng
Ngành chức năng tỉnh Kiên Giang tiếp tục theo dõi, nắm chắc về tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin nguồn lợi thủy sản trên biển, ngư trường khai thác, mùa vụ khai thác đánh bắt để cung cấp cho ngư dân tổ chức ra khơi đánh bắt đạt hiệu quả.