(TSVN) – Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Trung Quốc nằm trong top 3 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, chỉ sau Mỹ và Nhật Bản. Đây là thị trường quan trọng, có nhiều triển vọng và dư địa rất lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Năm 2023, cũng như nhiều thị trường khác, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc gặp những vấn đề như: giá giảm, lượng tồn kho cao… khiến kim ngạch XK sụt giảm mạnh. Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1 tỷ USD (giảm 18% so cùng kỳ). Những mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất là cá tra (chiếm 40%) và tôm (chiếm 38%) cũng đều bị giảm lần lượt là 27% và 8%. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt xác định Trung Quốc tiếp tục sẽ là thị trường tiềm năng trong thời gian tới.
Trung Quốc là thị trường tiềm năng của thủy sản Việt. Ảnh: ĐNT
Theo VASEP, năm 2023 và những năm tới, có một số yếu tố thuận lợi, mang lại cơ hội và dư địa cho thủy sản Việt Nam tại Trung Quốc như: Dịch COVID-19 đã chấm dứt, giao thương của Trung Quốc với thế giới hoàn toàn bình thường. Kinh tế Trung Quốc đang có tín hiệu tích cực và nhu cầu thủy sản tại thị trường này đang hồi phục. Ngoài ra, vị thế địa lý, chi phí logistic giảm và ít hơn so với các nước khác là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Trung Quốc ngừng nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản, sẽ thay thế bằng các nguồn cung khác, trong đó có Việt Nam…
Mặt khác, một số chuyển dịch trong đầu tư kinh tế ở Trung Quốc cũng được coi là cơ hội cho thủy sản Việt Nam. Dường như các ngành kinh tế siêu lợi nhuận và sinh lợi cao được quan tâm đầu tư nhiều hơn, do vậy đầu tư cho nuôi trồng thủy sản giảm, xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc cũng giảm dần trong những năm gần đây. Do vậy các chuyên gia kinh tế đánh gia Trung Quốc sẽ ngày càng phụ thuộc vào thủy sản nhập khẩu, giống như mô hình các nước phương Tây.
Theo một đại diện siêu thị lớn ở Trung Quốc, nhu cầu về thủy sản bền vững của người tiêu dùng Trung Quốc đã tăng trưởng ấn tượng. Theo đó, trong 5 năm qua, lượng đặt hàng thủy hải sản có nhãn chứng nhận bền vững đã tăng gấp 6 lần.
Người tiêu dùng ở Trung Quốc ngày càng chú ý đến nguồn gốc xuất xứ thủy sản, tiêu chuẩn toàn cầu, trách nhiệm xã hội và thân thiện môi trường và họ cũng sẵn sàng trả thêm tiền cho những sản phẩm đạt những tiêu chí trên.
Đặc biệt sau vụ việc xả thải từ nhà máy Fukushima ở Nhật Bản, người tiêu dùng Trung Quốc chuyển sang mua hàng từ khu vực Nam Cực và Bắc Cực. Ví dụ như cá tuyết Nam Cực (toothfish) đang có nhu cầu và có thể có kết quả kinh doanh tốt nếu ghi rõ nguồn gốc, chi tiết sản phẩm và phương pháp đánh bắt trên bao bì.
Vì vậy, để tiếp cận với thị trường tỷ dân, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam phải nắm bắt xu thế người tiêu dùng tại thị trường này. Các sản phẩm xuất khẩu nên hướng đến sản xuất bền vững có xuất xứ.
Dự báo tình hình xuất khẩu trong thời gian tới vẫn còn gặp không ít khó khăn, trong khi đó, doanh nghiệp vừa bị áp lực giảm đơn hàng tại thị trường xuất khẩu, vừa gặp khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính.
Để tận dụng, phát huy tốt cơ hội từ thị trường Trung Quốc và tiềm năng của ngành thủy sản Việt Nam, hoạt động giao thương cần được tăng cường hơn nữa, trong đó giao thương cấp địa phương cần được quan tâm hơn; cần có sự trao đổi, chia sẻ thông tin về nhu cầu và quy định thị trường, đặc biệt khi có những thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu; Mở rộng danh sách doanh nghiệp và các sản phẩm thủy sản được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, mở cửa hơn cho các loài thủy sản tươi sống xuất khẩu vào Trung Quốc: tôm hùm bông, cua sống…
Hợp tác thúc đẩy các quy trình phê duyệt cấp phép cho các doanh nghiệp được xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc: Duy trì thông quan thông suốt tại các cửa khẩu biên giới; Thúc đẩy kết nối giao thông đường bộ, đường sắt tại khu vực biên giới; Hợp tác xây dựng các kho lạnh, cơ sở hậu cần phục vụ cho giao thương nông thủy sản Việt Nam – Trung Quốc, nhất là giao thương qua biên giới.
Anh Vũ