THỨ TƯ, ngày 22/1/2025

Cà Mau: Đột phá trong nuôi cua quảng canh

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Để tăng năng suất, phát triển bền vững nghề nuôi cua, người dân Cà Mau đang từng bước tiếp cận cách làm mới, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Kiểm soát nguồn thức ăn dinh dưỡng, tạo môi trường tốt, nâng chất lượng cua thịt, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Mặt hàng chủ lực

Nghề nuôi cua biển thương phẩm được hình thành và phát triển tại nhiều địa phương ở ĐBSCL từ những năm 1990. Hình thức nuôi cua chủ yếu là kết hợp đa loài trong vuông tôm. Trong đó, Cà Mau được xem là “thủ phủ” của cua biển cả nước. Nghề nuôi cua biển của Cà Mau có nhiều điểm khác biệt bởi điều kiện tự nhiên riêng biệt, kéo theo thổ nhưỡng, nguồn nước cũng phù hợp với điều kiện phát triển của con cua. Một lợi thế mà ít địa phương nào có được nữa là Cà Mua có diện tích rừng ngập mặn hơn 80.000 ha, đã góp phần tạo nên sản phẩm có chất lượng được đánh giá là ngon nhất của của nước.

Cua biển là mặt hàng chủ lực mang lại giá trị kinh tế lớn cho tỉnh Cà Mau. Ảnh: ST

Theo Sở NN&PTNT Cà Mau, những năm gần đây, nghề nuôi cua biển tại địa phương đã phát triển nhanh về diện tích, sản lượng… Cua biển được đánh giá là mặt hàng chủ lực mang lại giá trị kinh tế lớn, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người nuôi.

Do sản lượng cung ứng ra thị trường hằng năm lớn và được người tiêu dùng ưa chuộng nên cua biển Cà Mau đã khẳng định được thương hiệu cũng như chất lượng. Năm 2016, diện tích nuôi cua biển ở Cà Mau khoảng 220.000 ha, sản lượng đạt 174.000 tấn. Đến năm 2022, diện tích nuôi tăng thêm hơn 30.000 ha, sản lượng khoảng 24.500 tấn.

Hướng đi bền vững

Qua nhiều năm chuyển đổi sản xuất, đến nay mô hình nuôi cua của tỉnh ngày càng đa dạng về hình thức như nuôi cua kết hợp với các loài thủy sản khác (vùng nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến chuyên tôm, tôm lúa, tôm rừng) với diện tích khoảng 248.000 ha; nuôi thâm canh, bán thâm canh (nuôi cua hầm đất) bằng phương pháp nuôi cải tiến 2 giai đoạn khoảng 2.000 ha. Ngoài ra, một số doanh nghiệp trong tỉnh cũng đang triển khai mô hình nuôi cua trong hộp nhựa…

Tuy nhiên, hiện nay, nghề nuôi cua biển ở Cà Mau có quy mô còn nhỏ lẻ. Phần lớn người dân dựa vào điều kiện tự nhiên hoặc thả nuôi cua kết hợp nuôi tôm quảng canh. Từ đó việc áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi chưa tốt. Trong khi nguồn thức ăn cho cua từ cá tạp dần khan hiếm, không chủ động được. Thức ăn cho cua không phù hợp ảnh hưởng đến chất lượng thịt hoặc nuôi cua gạch rất thấp, khó nuôi lên gạch, giá bán không cao, hiệu quả thấp.

Trước thực tế trên, nhiều hộ dân đã tìm cách nuôi mới, hiệu quả hơn để cải thiện đời sống. Điển hình như anh Phạm Trung Tân ở ấp Ðường Kéo, xã Tam Giang, huyện Ngọc Hiển. Trước đây, anh Tân nuôi cua theo hình thức truyền thống nên dễ bị tác động bởi yếu tố môi trường, thường xảy ra dịch bệnh, năng suất đạt thấp, ảnh hưởng đến thu nhập gia đình. Sau một thời gian tìm hiểu, cũng như đi thực tế ở các địa phương, anh Tân đã chuyển hướng nuôi cua quảng canh có sử dụng chế phẩm sinh học.

Lợi thế của mô hình nuôi cua quảng canh sử dụng chế phẩm sinh học là kiểm soát, quản lý được môi trường ao nuôi. Cua ít dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, đạt đầu con. Hơn nữa, chế phẩm sinh học vừa xử lý ô nhiễm, chất mùn bã hữu cơ dư thừa trong vuông, vừa cải thiện chất lượng môi trường nước giúp cua thương phẩm đạt chất lượng cao, mẫu mã đẹp và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, sản lượng đạt cao gấp 4 – 5 lần so nuôi theo cách truyền thống

Mô hình nuôi cua quảng canh sử dụng chế phẩm sinh học giúp kiểm soát, quản lý tốt môi trường ao nuôi. Ảnh: ST

Ông Hà Anh Tuấn, Trưởng ấp Ðường Kéo cho biết, toàn ấp có gần 200 hộ dân nuôi xen canh tôm – cua kết hợp, với tổng diện tích khoảng 600 ha. Trước nay bà con nuôi theo cách truyền thống, canh tới con nước là mua giống về thả, cứ thế mà nuôi tới khi thu hoạch. Quá trình nuôi cũng không bổ sung thức ăn hay sử dụng bất kỳ một sản phẩm nào. Do đó, năng suất thường không cao, tỷ lệ sống của cua từ khi thả giống đến khi thu hoạch thấp. “Mô hình nuôi cua quảng canh sử dụng chế phẩm sinh học của anh Tân cho năng suất, chất lượng cao mà không ảnh hưởng tới đối tượng nuôi khác trong cùng diện tích. Hiện anh Tân đã hỗ trợ kỹ thuật cho 6 hộ dân trong ấp, bước đầu mang lại hiệu quả. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng, hy vọng mở ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững cho bà con”, ông Tuấn chia sẻ.

Nguyễn An

Tỉnh Cà Mau phấn đấu đến năm 2030, ổn định diện tích nuôi cua khoảng 265.000 ha, năng suất bình quân đạt 0,11 tấn/ha/năm, sản lượng đạt khoảng 29.150 tấn. Năng lực sản xuất cua giống đạt khoảng 1,4 tỷ con/năm, đáp ứng 100% nhu cầu thả nuôi. Đồng thời, phấn đấu xuất khẩu 30 - 35% sản lượng cua nuôi trong tỉnh. Hình thành, phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cua đạt 30%.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!