(Tạp chí Thủy sản VN) – Gần 9 tháng trôi qua kể từ khi thực hiện Quyết định số 3477/QĐ-BNN-KTBVNL của Bộ NN&PTNT ký ngày 4/12/2009 về việc ban hành Quy chế chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Thủ tục mới và những vướng mắc phát sinh đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này.
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn
Tại “Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện chứng nhận thủy sản khai thác theo Quyết định 3477/QĐ-BNN-BVNLTS” được tổ chức tại TP.HCM vừa qua, bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty Thủy sản Sông Tiền cho biết “Những thủ tục nhiêu khê của các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực thi quy định IUU đã làm khó doanh nghiệp”. Theo cán bộ phụ trách chất lượng sản xuất Công ty CP Thủy sản Bạc Liêu, vừa qua công ty có 147 tấn hàng hải sản, khi làm thủ tục xin lấy chứng nhận IUU chỉ được cấp 1 giấy chứng nhận cho lô nguyên liệu này trong khi khách hàng yêu cầu chia làm 3 container, xuất 3 lần. Vì vậy, doanh nghiệp lo ngại nếu dùng giấy này xuất lô đầu tiên, hai lô sau sẽ không đủ thủ tục xuất khẩu.
Một số DN phản ánh, hiện nay khách hàng Tây Ban Nha vẫn yêu cầu DN xuất khẩu nghêu qua cảng Las Palmas phải có giấy chứng nhận Thủy sản khai thác (C/C), mặc dù DN đã gửi đến khách hàng các tài liệu liên quan từ phía cơ quan Việt Nam và Liên minh châu Âu nhằm chứng minh rằng nghêu Việt Nam không cần chứng nhận khai thác. Theo công thư 04460 và công văn 407, nghêu Việt Nam được khai thác bằng tay nên không thuộc phạm vi của IUU. Mặt khác theo Phụ lục 1, nghêu Việt Nam không nằm trong nhóm phải có giấy IUU, tuy nhiên, khách hàng vẫn khăng khăng yêu cầu giấy chứng nhận khai thác cho sản phẩm này.
Vướng mắc thủ tục, các DN xuất khẩu gặp khó Ảnh: Đức Lợi
Về việc xin cấp C/C thì nhiều DN cho biết để có được 01 C/C, DN cần phải hoàn tất tới 03 loại giấy tờ đó là: Giấy phép khai thác của tàu cá, nhật ký khai thác của các tàu đánh bắt và Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh của tàu. Thậm chí, một lô hàng buộc phải xin rất nhiều C/C trong khi cơ quan có thẩm quyền lại cứng nhắc khi làm các thủ tục. Còn nguyên liệu nhập khẩu để xuất sang EU cũng đang bị kiểm soát bởi quy trình quá chặt chẽ của NAFIQAD từ đầu đến khi xuất khẩu.
Tại Bình Định, khi cán bộ đi làm giấy C/C, ngoài bản gốc giấy Giới thiệu của Công ty, cán bộ DN bắt buộc phải nộp 01 bản photo giấy CMTND. Còn tại Khánh Hòa, hiện nay, Chi cục KT&BVNLTS tỉnh Khánh Hòa đã và đang thu lệ phí cấp C/C của DN mức 40.000 đ/giấy. Một lô hàng hải sản XK vào EU đang cần từ 15 – 20 giấy CC, thậm chí hơn. Như vậy phí để có được đủ bộ CC XK 1 lô hàng vào EU quả là không nhỏ.
Chi cục KT&BVNLTS/Nuôi trồng thủy sản một số tỉnh ven biển như: Bình Thuận, Tiền Giang yêu cầu DN phải nộp thêm bản photocopy nhật ký khai thác các tàu đánh bắt khi xin giấy chứng nhận IUU của các tàu này. Điều này gây khó khăn cho DN khi mua hàng bởi phần lớn DN thu mua nguyên liệu từ các đại lý, trong khi ngư dân chưa ý thức trong việc ghi nhật ký khai thác còn các đại lý rất ít khi photo lại và rất khó liên lạc với các chủ tàu.
Sẽ tiếp tục chấn chỉnh
Tại Hội nghị, Cục KT&BVNLTS đã tiếp thu ý kiến đóng góp của DN để dự thảo Quyết định thay thế QĐ 3477. Về kết quả triển khai thực hiện Quyết định 3477, Cục cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện, cách hiểu của Việt Nam về một số thuật ngữ chưa đồng nhất với quy định của EC. Do cách hiểu khác nhau dẫn tới việc ghi thông tin trong Giấy chứng nhận khai thác hải sản cũng khác nhau. Thậm chí cho đến thời điểm này, ngư dân vẫn chưa nghiêm túc thực hiện việc ghi nhật ký khai thác. Hơn nữa, số lượng giấy chứng nhận và khối lượng công việc lớn khiến các cơ quan có thẩm quyền chứng nhận thủy sản khai thác, xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu gặp nhiều khó khăn trong quá trình cấp C/C cho doanh nghiệp…
Để giải quyết những khó khăn này, Cục KT&BVNLTS cho rằng, cần sớm thống nhất với cơ quan chuyên môn của Ủy ban châu Âu để hoàn thiện các biểu mẫu chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường này, đồng thời tham mưu để Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành quyết định về chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu nhằm đảm bảo hiệu lực và hiệu quả cao trong việc tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, các Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản các tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc ghi nhật ký khai thác và báo cáo khai thác của tàu cá, nhất là các tàu cá có công suất lớn hơn 90 CV, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát và cấp giấy chứng nhận thủy sản khai thác.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng: “Những khó khăn của doanh nghiệp sẽ được Bộ tiếp tục rà soát và giải quyết trong thời gian sớm nhất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu sang thị trường EU trong sáu tháng cuối năm”. Cụ thể, để chứng nhận mặt hàng khai thác thủy sản trong nước, các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát và đơn giản hóa các thủ tục. Bộ cũng sẽ sớm thống nhất với cơ quan chuyên môn của Ủy ban châu Âu để hoàn thiện các biểu mẫu chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường này.
>> Hiện nay, các doanh nghiệp thủy sản đang lâm vào tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng để xuất hàng sang EU vào những tháng tới. Không trông chờ vào những giải pháp “lâu dài” của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu nguyên liệu thủy sản về chế biến. Giải pháp “chữa cháy” này lại bị vướng quy định về kiểm soát các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam vừa có hiệu lực do Bộ NN&PTNT ban hành. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, VASEP đang thu thập thông tin và dữ liệu chi tiết những mặt hàng đang bị thiếu nguyên liệu chế biến, qua đó cơ quan này sẽ đề xuất với Bộ NN&PTNT có chính sách riêng cho những loại nguyên liệu nhập khẩu đang thiếu hụt.
Trí Quang