(TSVN) – Năm 2023, hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) của tỉnh Thái Bình phát triển ổn định với sản lượng nuôi trồng đạt trên 187 nghìn tấn, tăng 3,2% so cùng kỳ.
Thái Bình có đường bờ biển dài 54 km và có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển NTTS ở 3 loại hình nuôi: nước ngọt, nước lợ và nước mặn, với diện tích hàng năm đạt hơn 14.090 ha, sản lượng khoảng 160.000 tấn. Theo Chi cục Thủy sản Thái Bình, năm 2023, tổng diện tích NTTS của tỉnh đạt 15.665,11 ha, tương đương cùng kỳ. Diện tích đất chuyển đổi sang NTTS trong ao bán nổi đạt 172,8 ha, tăng 19,57 ha so cùng kỳ năm trước. Toàn tỉnh hiện có 692 lồng nuôi cá và 700 bè nuôi hàu cửa sông, tăng 180 bè so cùng kỳ năm trước. Có 26 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; trong đó, 8 cơ sở sản xuất, 18 cơ sở ương dưỡng. Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 289.493 tấn, tăng 3,3% so cùng kỳ năm trước; giá trị sản xuất ước đạt 5.942,8 tỷ đồng, tăng 3,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó sản lượng nuôi trồng đạt trên 187 nghìn tấn, tăng 3,2%, giá trị ước đạt 4.299,2 tỷ đồng.
Năm 2023, sản lượng NTTS Thái Bình ước đạt trên 187 nghìn tấn, tăng 3,2% so cùng kỳ. Ảnh: TN
Nhằm đáp ứng nhu cầu con giống, cơ sở sản xuất giống thủy sản trong tỉnh luôn tích cực chăm sóc, cung ứng ra thị trường những con giống đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao. Hiện, Chi cục Thủy sản đã làm chủ quy trình và công nghệ sản xuất thủy sản, đặc biệt với các đối tượng chủ lực như tôm sú, TTCT, ngao. Sản xuất giống thủy sản năm 2023 đạt 568,5 triệu con; giá trị sản xuất giống ước đạt 100,9 tỷ đồng, tăng 2,3% so cùng kỳ năm trước. Đồng thời, trong năm 2023, cơ quan chuyên môn của tỉnh đã phối hợp với các địa phương kiểm tra 10 cơ sở sản xuất, ương dưỡng, kinh doanh giống thủy sản; kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý, bảo vệ môi trường vùng nuôi thủy sản thâm canh, nuôi thủy sản tập trung tại 15 vùng nuôi trên địa bàn tỉnh; kiểm tra đăng ký nuôi thủy sản lồng bè trên sông tại 32 hộ, trên địa bàn 16 xã thuộc 4 huyện. Thanh tra 9 cơ sở (4 tổ chức, 5 cá nhân) sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường trong NTTS trên địa bàn huyện Thái Thụy, Tiền Hải.
Để đạt được kết quả trên, một trong những giải pháp luôn được tỉnh chú trọng thực hiện đó là cơ cấu lại lĩnh vực NTTS cả về sản phẩm và hình thức sản xuất. Trong đó, tập trung mở rộng quy mô, diện tích nuôi trồng; đổi mới, đa dạng các đối tượng NTTS, xác định đối tượng nuôi chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, quy trình kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả; tạo ra các sản phẩm thủy sản có giá trị kinh tế đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tỉnh Thái Bình đẩy mạnh phát triển NTTS theo nhiều hình thức, đa dạng đối tượng nuôi. Ảnh: Hữu Phước
Ngoài ra, công tác phòng chống dịch bệnh cũng được ngành chức năng quan tâm. Trong năm 2023, cơ quan chuyên môn đã phối hợp với đơn vị quan trắc thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường tại 16 vùng NTTS tập trung có quy mô lớn trên địa bàn; trên cơ sở kết quả quan trắc, kịp thời khuyến cáo đến hộ NTTS các biện pháp phòng, tránh và chủ động quản lý chất lượng môi trường NTTS, giảm thiểu ảnh hưởng của môi trường đến thủy sản nuôi…
Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi tại 2 huyện ven biển; thực hiện chương trình khảo sát nuôi ngao bãi triều ven biển tại xã Thụy Trường (Thái Thụy) và Đông Minh, Nam Thịnh (Tiền Hải).
Thời gian tới, tỉnh Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh phát triển NTTS theo nhiều hình thức, đa dạng hóa chủng loại với các đối tượng có giá trị kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế, xã hội của từng vùng; tổ chức sản xuất gắn với thị trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường, an toàn bền vững.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân NTTS tập trung tích tụ đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, định hướng đến năm 2030 chuyển đổi khoảng 2.800 ha diện tích đất bãi bồi, đất trồng lúa hiệu quả thấp sang nuôi thủy sản trong ao bán nổi; áp dụng quy trình công nghệ mới, cấp mã số cơ sở nuôi thủy sản…
Nam Cường
Năm 2024, ngành NN&PTNT Thái Bình xác định, tiếp tục phát triển thủy sản theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Theo đó, thủy sản phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt 3,2%; giá trị sản xuất ước đạt 6.132,6 tỷ đồng; sản lượng thủy sản ước đạt 397 nghìn tấn; trong đó, sản lượng NTTS ước đạt 193 nghìn tấn.